10:08 28/10/2012

Bảo tàng tư nhân của cô giáo làng

Là một giáo viên dạy Sử - Địa, với niềm đam mê lịch sử và thích tìm hiểu, sưu tầm các đồ vật liên quan đến cuộc sống của người nông dân đồng bằng Bắc bộ xưa, cô Ngô Thị Khiếu... khi nghỉ hưu đã dồn hết tâm huyết của mình để dựng nên một bảo tàng về nông thôn ngay trên quê hương mình.

Là một giáo viên dạy Sử - Địa, với niềm đam mê lịch sử và thích tìm hiểu, sưu tầm các đồ vật liên quan đến cuộc sống của người nông dân đồng bằng Bắc bộ xưa, cô Ngô Thị Khiếu, thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy (Nam Định) khi nghỉ hưu đã dồn hết tâm huyết của mình để dựng nên một bảo tàng về nông thôn ngay trên chính quê hương mình.


Hành trình đi đến ước mơ của cô giáo làng


Sinh năm 1955, ở xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, Nam Định, cô Ngô Thị Khiếu đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm khoa Cấp 2 năm 1975. Cô tâm sự: Vì cả hai vợ chồng đều là giáo viên (chồng cô trước khi đi bộ đội cũng là giáo viên) nên trong nhà lúc nào cũng có rất nhiều sách.


Ban đầu, vợ chồng cô tìm mua các loại sách mới phục vụ cho việc giảng dạy, song trong một dịp đi tìm mua sách, cô tình cờ biết được một số hiệu sách cũ và tìm được những cuốn sách rất hay thuộc tất cả các lĩnh vực, và từ đó số sách trong “thư viện gia đình” của vợ chồng cô ngày càng tăng lên đáng kể. Trong đó có một lượng lớn sách cũ có giá trị do cô dày công tìm kiếm được.


Ngôi nhà thuộc tầng lớp địa chủ nằm trong khuôn viên bảo tàng của cô Khiếu.

Vì là người đã từng công tác và có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục huyện Giao Thủy và có thời gian dài giảng dạy ở xã Giao Thịnh nên trong dịp khánh thành trường mầm non Giao Thịnh cô được mời về tham dự. Sau khi tham quan cơ sở vật chất của trường, cô mới thấy thư viện trường rất bé và sách vở rất nghèo nàn. Nguyên nhân là do kinh phí chưa có nên các cô giáo trong trường phải đi vận động từng gia đình trong xã để đầu tư mở thư viện.


Nghĩ đến số lượng sách rất lớn của mình là thành quả của bao nhiêu năm sưu tầm, gìn giữ, cô nảy ra ý tưởng mở một thư viện nhỏ cho học sinh nơi đây, mục đích là để các em có chỗ học tập và có điều kiện đọc sách.


Từ ý tưởng đó, cô đã về bàn với chồng và đi đến quyết định mua lại 360 m2 đất ruộng cạnh trường mầm non xã để mở thư viện. Cũng trong thời gian này, cô tìm tòi, nghiên cứu về cuộc sống lao động, sản xuất của người nông dân sống trong chế độ cũ qua những cuốn lịch sử. Chính từ sở thích đó mà có dịp đi đâu, thấy vật dụng, nông cụ hay đồ dùng cũ của người nông dân sống trong những giai đoạn trước, cô lại sưu tầm, mua về nhà cất giữ. Không những vậy, cô còn nhờ người em dâu của mình sống ở xã Giao Thịnh giúp cô tìm và thu mua các loại đồ vật này của nhân dân trong và ngoài xã.


Cô tâm sự: “Càng tìm tòi, nghiên cứu và sưu tầm tôi càng cảm thấy “say” hơn. Các vật dụng đó mặc dù bây giờ vẫn còn trong cuộc sống của các gia đình nông thôn ở nhiều nơi song cũng không còn nhiều. Vì không phải đồ cổ hay đồ có giá trị gì nên tôi thường mua được với giá rẻ. Đồ đồng thì cũng mua với giá đồng nát thôi. Có nhiều chỗ thân quen hoặc thấy mình thích quá người ta cho không chứ cũng chẳng lấy tiền”.


Với ý định mở thư viện để phục vụ học sinh trong xã nên UBND xã Giao Thịnh ủng hộ nhiệt tình, kể cả UBND huyện. Biết được việc cô còn sưu tầm cả đồ cũ liên quan đến cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người nông dân xưa thì mọi người đã động viên cô mở thêm một bảo tàng về các kỉ vật mà cô sưu tầm được. Nếu việc đó có thể thực hiện được thì sẽ là một việc làm vô cùng có ý nghĩa và mang tính nhân văn, xã hội hết sức to lớn. Xã hội ngày càng phát triển, chưa nói tới trẻ con thành thị, ngay đến trẻ con ở các vùng nông thôn cũng chưa hiểu biết được về cuộc sống của các thế hệ đi trước. Chính vì vậy, nếu bảo tàng được ra đời sẽ giúp cho các em có một điểm đến thực tế và hết sức thú vị, giúp các em có kiến thức sâu rộng, rõ ràng và chính xác nhất về cuộc sống của nông dân trong xã hội cũ.


Được mọi người khuyến khích, ủng hộ, đặc biệt là chồng, cô đã mạnh dạn thuê mảnh đất ruộng rộng gần 5.000 m2 rồi làm dự án về khu quần thể mà cô vẫn hay gọi vui với mọi người là “Bảo tàng đồng nát nhà quê”.


Bảo tàng Nông thôn cho người... nông thôn


Cô Khiếu cho biết, bảo tàng của cô chủ yếu trưng bày các kiến trúc, nông cụ, dụng cụ lao động của vùng đồng bằng Bắc bộ. Trong đó bao gồm nhiều kiểu nhà vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ của các tầng lớp khác nhau; nông cụ, đồ dùng của nông dân và cây trồng, vật nuôi gợi nhớ về cuộc sống lao động sản xuất của người dân xưa kia. Và tất nhiên người nông dân luôn là chủ đề chính.


Cô Khiếu trước mô hình nhà của tầng lớp trung nông


Trong khuôn viên rộng 5.000 m2 của cô xây dựng năm mẫu nhà. Trong đó bốn mẫu nhà là mô hình thu nhỏ cuộc sống của các tầng lớp khác nhau: bần nông, trung nông, địa chủ và cuộc sống của người dân sau hòa bình. Còn lại mẫu nhà thứ năm được xây dựng bốn tầng để làm thư viện và bảo tàng trưng bày “Kỉ vật chiến tranh, đồ nông cụ, lao động của người nông dân”.


Cô Khiếu cho biết: “Ban đầu tôi chỉ có ý định mở một thư viện nhỏ cho trẻ em nơi đây thôi, nhưng bây giờ dự định và mong muốn của tôi đã lớn hơn rất nhiều. Bảo tàng nông thôn sẽ không chỉ là nơi để cho các em đến đây đọc sách mà còn giúp các em tìm hiểu về cuộc sống của cha ông mình trước đây cũng sinh sống trên mảnh đất này bằng những hình ảnh chân thực nhất. Đồng thời, nơi đây cũng không chỉ dành riêng cho các em mà còn cho tất cả các lứa tuổi đến tham quan, học tập”.


Giới thiệu lần lượt về năm ngôi nhà trong bảo tàng, cô vui vẻ cho biết: Ngôi nhà đầu tiên là một ngôi nhà đất đại diện cho tầng lớp bần nông, người nông dân nghèo. Trong nhà được trang trí các vật dụng thể hiện cho cuộc sống của tầng lớp này như nồi đồng, nồi đất, giường vỏ măng, chõng, dậu bằng cây rau ngót, ao thả cá, cầu tre... Kế bên cạnh là ngôi nhà của tầng lớp trung nông được lợp bổi, có sân gạch, giường gỗ xoan, mâm đồng, chum thóc... Ngôi nhà thứ ba của tầng lớp địa chủ được làm bằng lim với các hiện vật như giường giẻ quạt bằng gỗ lim, tủ chè, bộ trường kỷ, cót thóc lớn, mâm đồng to... Và tiếp đến là ngôi nhà gác tường của người nông dân sau hòa bình được thiết kế ba gian với nhiều hiện vật thể hiện cho cuộc sống, sinh hoạt lúc bấy giờ.


Trong bốn ngôi nhà đại diện cho các tầng lớp nhân dân sống trong các thời kỳ khác nhau này thì một ngôi nhà là nhà cũ của bố chồng cô, ông đã đem tặng lại cho cô khi biết ý định mở bảo tàng của cô. Còn các ngôi nhà còn lại là do cô tìm và mua ở trong và ngoài tỉnh rồi đưa về lắp ghép lại đúng như nguyên mẫu.


Ngôi nhà thứ năm là khu nhà rộng nhất trong khuôn viên bảo tàng. Khu nhà này được xây dựng hoàn toàn mới với bốn tầng. Trong đó, tầng một được trưng bày các kỉ vật của gia đình cũng như các kỉ vật chiến tranh mà cô thu thập được. Tầng hai là bảo tàng trưng bày hai nhóm hiện vật là nông cụ và đồ dùng của người nông dân xưa. Tầng ba là thư viện với hơn 1.000 đầu sách đều do cô tìm tòi, nghiên cứu, thu mua và giữ gìn từ trước tới giờ. Trong đó chủ yếu là các sách lịch sử, phong tục tập quán, ẩm thực, y học, sách về Bác Hồ, về Nam Định, Thăng Long... Tầng bốn được xây dựng làm hội trường và cũng là nơi nghỉ ngơi của người tham quan.


Ngoài ra, phía sau khuôn viên bảo tàng còn có thêm phòng trưng bày hiện vật bom mìn và khu hầm chui. Ngoài bảo tàng ra cô còn cho thiết kế thêm một khu ăn uống nhỏ và một khu vui chơi cho trẻ em khi vào tham quan. Khu vui chơi phục vụ trẻ em với các trò chơi xưa như chơi ô ăn quan, chơi đáo, chơi cờ hoặc các trò chơi bây giờ như cầu lông...


Bảo tàng vẫn đang được xây dựng trong niềm mong mỏi không chỉ của cô mà còn của rất nhiều người dân nơi đây. Nhìn người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng hàng ngày vẫn tới khu bảo tàng đang xây dựng tỉ mẩn cắt cỏ, trồng từng luống rau, hàng lúa mới thấy hết được niềm đam mê, sự tận tâm và nhiệt huyết thực sự mà cô giáo làng bỏ ra cho giấc mơ của mình.


Niềm mong mỏi cũng như tâm nguyện duy nhất của cô là bảo tàng sớm được hoàn thành để giúp cho không chỉ học sinh mà còn là người dân nơi đây có chỗ học tập, tham quan để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc. Mỗi ngày, cô đang không chỉ thực hiện giấc mơ của mình mà cô còn đang giúp cho giấc mơ của hàng ngàn học sinh, người dân nơi đây trở thành sự thật.



Bài và ảnh: Thùy Dung