06:23 07/06/2011

Bảo tàng Hà Nội: Vì sao vẫn chưa có phần trưng bày chính?

Trong cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều qua, vấn đề bảo tàng Hà Nội được quan tâm nhất.

Trong cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều qua, vấn đề bảo tàng Hà Nội được quan tâm nhất.
Xung quanh việc công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long này vừa đưa vào sử dụng có hiện tượng thấm nước và hiện vẫn ít hiện vật trưng bày, đại diện Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội cho biết, trong tháng 6 này hồ sơ thiết kế tổng thể nội dung trưng bày mới được nhà thầu hoàn thiện để trình thành phố phê duyệt.

Vẫn còn bảo hành

Theo đại diện Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội, đây là một công trình văn hóa trọng điểm, mang tính chuyên ngành cao và hiện đại. Sau 7 tháng đưa vào vận hành, bảo tàng Hà Nội cũng đã bộc lộ một số tồn tại. Đơn cử, ngay khi đưa vào vận hành thử cuối tháng 9/2010 đã phát hiện sự cố tràn nước ở hố thang máy, nguyên nhân là do một mối nối mặt bích bị hở (không phải ngập nước mưa như một số báo phản ánh) và đã được xử lý kịp thời. Cũng trong thời gian trên, khi vận hành hệ thống cửa thoát khói trên mới, thuộc hạng mục phòng cháy chữa cháy, đã gặp mưa đột ngột, trong khi đơn vị tham gia không kịp đóng hết hệ thống, nên có hiện tượng mưa chảy từ mái nhà xuống. Trong quá trình vận hành, tại một số vị trí lối lên của cầu thang lõi tròn tầng 1, có một khoảng tròn tại sàn epoxy bị bong rộp, đường kính khoảng 20 cm, nhưng đã được khắc phục xong trước ngày 11/5. Bên cạnh đó, tại khu vệ sinh tầng 2, có một van nước rỏ rì, dẫn đến thấm xuống sàn phòng kỹ thuật tại tầng hầm 2 và làm hộp kỹ thuật bị ẩm. Về việc này, nhà đầu tư Vinaconex và Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp giải quyết triệt để.

Một góc Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án Bảo tàng Hà Nội cho biết, Bảo tàng Hà Nội bảo hành trong thời gian 24 tháng nên vẫn còn thời hạn 17 tháng nữa. Do đó, trong thời gian vận hành này, nếu hạng mục nào hỏng hóc thì đơn vị tổng thầu Vinaconex và các nhà thầu Lilama, Coma, Viettel... sẽ phải cử người đến sửa; chi phí nằm trong kinh phí dự án.

“Đến thời điểm này, các hạng mục được quyết toán sơ bộ và có thể khẳng định tổng kinh phí xây dựng, thiết bị lắp đặt Bảo tàng Hà Nội vào khoảng 2.003 tỷ đồng”, ông Lê Văn Dục cho biết thêm.

Chủ yếu trưng bày theo chuyên đề

Liên quan đến việc hiện vật trưng bày còn ít, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, trưng bày tại bảo tàng thường chia thành hai phần: Trưng bày chính (thể hiện nội dung, ý tưởng chủ đạo của bảo tàng) và trưng bày theo chuyên đề. Từ khi khánh thánh vào ngày 6/10/2010, đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bảo tàng mới xây dựng việc trưng bày theo chuyên đề và chưa dám đầu tư các giải pháp kỹ thuật của trưng bày của bảo tàng như sa bàn, hộp hình, sân khấu hóa, tranh minh họa... vì tiết kiệm chi phí và đợi hồ sơ thiết kế trưng bày của nhà thầu.

Về vấn đề hạng mục thiết kế trưng bày, ông Lê Văn Dục cho biết, hạng mục này nằm trong tổng thể dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội, bảo tàng chỉ nắm phần kinh phí; còn về chuyên môn phối hợp với Sở VH,TT&DL Hà Nội cùng làm. Hồ sơ thiết kế tổng thể nội dung trưng bày đã được nhà thầu tư vấn trình bày trước lãnh đạo thành phố vào ngày 28/4/2011 và được chỉnh sửa theo ý kiến kết luận của hội nghị, và sẽ trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt trong tháng 6/2011. Dự toán của phần thiết kế trưng bày này và khoảng 550.000 USD.

Ông Dục cũng cho biết, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Công ty Story Inc (Niu Di lân), được lựa chọn là nhà thầu chính thực hiện gói tư vấn thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội, với ý tưởng tổng quát về “phần hồn” của Bảo tàng Hà Nội, với việc trưng bày hiện vật, cổ vật theo lối kể chuyện về một Thủ đô anh hùng, văn hiến, hòa bình. “Phần nội dung, hiện vật đơn vị tư vấn đề xuất lên tới 760 tỷ đồng, nhưng đơn vị chủ đầu tư mới bước đầu chấp nhận dự toán 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản kinh phí này vẫn chưa được duyệt”, ông Dục cho biết. Như vậy, trong khi đợi gói thầu về nội dung trưng bày này được hoàn thiện thì Bảo tàng Hà Nội vẫn chỉ thực hiện trưng bày hiện vật theo chuyên đề (trưng bày theo chuyên đề thường ngắn trong khoảng thời gian nhất định). Dự kiến trong năm nay, Bảo tàng Hà Nội trưng bày 7 chuyên đề để “lấp chỗ trống”.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, Bảo tàng Hà Nội đã hoàn thành việc chuyển hơn 60.000 tài liệu, hiện vật đang lưu giữ, bảo quản tại kho gửi nhờ ở chùa Hưng Ký (quận Hai Bà Trưng), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, di tích Bích Câu đạo quán (quận Đống Đa)... về kho của bảo tàng và đợi gói thầu nội dung trưng bày được triển khai, sẽ sắp xếp hiện vật cụ thể. Hiện Sở VH,TT&DL Hà Nội đã chỉ đạo bảo tàng tổ chức cho khách tham quan phần trưng bày tạm thời của bảo tàng, phối hợp với Ban quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng) trong triển khai thiết kế chi tiết nội dung trưng bày; cũng như làm thủ tục đề nghị khu Hoàng thành Thăng Long bàn giao một số hiện vật để trưng bày mảng kiến trúc thời kỳ Lý - Trần - Lê, là mảng đang rất thiếu ở bảo tàng.

Xuân Cường