10:23 10/10/2011

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: Nơi lưu giữ những bảo vật quý

Ba hiện vật quý trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vừa có tên trong danh sách đề nghị được công nhận đặc biệt cho danh hiệu Bảo vật quốc gia, gồm: Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu và tượng Bồ tát Tara. Cả ba hiện vật này đều là hiện vật gốc độc bản, còn khá nguyên vẹn và mang đầy đủ những dấu ấn đặc sắc của văn hóa điêu khắc Chăm.

Ba bảo vật

Bảo vật đầu tiên được TP Đà Nẵng trình Chính phủ công nhận là Đài thờ Mỹ Sơn E1, có niên đại khoảng thế kỷ VII – VIII, tiêu biểu cho loại hình đài thờ tại Khu di tích Chămpa ở Mỹ Sơn. Đây là đài thờ duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn, là một cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, điêu khắc và kiến trúc của di tích Mỹ Sơn nói riêng và Chămpa nói chung. Cách thức điêu khắc trên Đài thờ Mỹ Sơn E1 được các nhà nghiên cứu nghệ thuật xem là tiêu biểu cho một phong cách ổn định sớm nhất trong lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc Chămpa, gọi là phong cách Mỹ Sơn E1. Những nhân vật, cảnh sinh hoạt, thiên nhiên, động vật được khắc tại đài thờ này là căn cứ để nghiên cứu về đời sống tâm linh, đời sống xã hội của Chămpa cổ đại, đặc biệt là về quan hệ giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực.

Những hiện vật tại bảo tàng vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.


Về kiến trúc, Đài thờ Mỹ Sơn E1 cũng là một cứ liệu tiêu biểu cho loại hình đài thờ có kích thước lớn và có chạm khắc chung quanh, gồm nhiều mảnh ghép lại, có gờ mộng bên trên, được xem là tiêu biểu cho giai đoạn đầu của việc xây dựng các tháp Chăm, khi mà kiến trúc Chăm chủ yếu được xây dựng bằng gỗ.

Bảo vật thứ hai là Đài thờ Trà Kiệu, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VII – VII, tiêu biểu cho sự tồn tại của một khu kinh thành và thờ tự của Chămpa cách đây hơn 1.000 năm. Đài thờ này còn giữ được nguyên vẹn bốn mặt, trên đó có chạm khắc thể hiện hoàn chỉnh một chủ đề trong thần thoại, là cơ sở quan trọng cho các chuyên gia khi nghiên cứu, so sánh về tín ngưỡng, phong cách nghệ thuật Chămpa.

Đặc sắc nhất có lẽ là hiện vật thứ ba trong chùm bảo vật điêu khắc này: Tượng Bồ tát Tara. Đây là pho tượng bằng đồng, niên đại thế kỷ IX tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ Bồ tát tại Phật viện Đông Dương. Đặc biệt, pho tượng này là hiện vật khảo cổ trong quá trình khai quật Phật viện lớn nhất của Vương quốc Chămpa cổ. Trong Phật viện nhiều huyền tích này, có một di tích đền thờ Bồ tát Laksmindra Lokesvara vào năm 875. Pho tượng Bồ tát Tara cho đến nay vẫn giữ nguyên vẹn màu sắc đồng đỏ pha đen bóng. Hình dáng pho tượng tuyệt mỹ, mô phỏng một điệu múa Chăm. Đây là chứng tích của văn hóa điêu khắc Chăm, ảnh hưởng sâu sắc từ Ấn Độ giáo, song vẫn mang những nét riêng biệt đặc sắc.

Hiện vật này được đúc hoàn chỉnh, không có dấu vết khuôn đúc với một kỹ thuật đặc biệt. Đặc biệt, hiện vật có những phần khắc lõm để nạm ngọc và kim loại quý trên trán, lông mày, hai tròng mắt. Các chi tiết trang trí và hình thể được các nhà nghiên cứu xem là đặc trưng tiêu biểu của phong cách Đồng Dương.

Làm sống lại bảo vật

Là nơi lưu giữ và trưng bày rất nhiều hiện vật điêu khắc Chăm, một nền điêu khắc đặc sắc, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện có hơn 500 hiện vật, hầu hết là các tác phẩm nguyên bản bằng các chất liệu: Đá sa thạch, đất nung và đồng, có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV. Các hiện vật tại đây được trưng bày theo phong cách vùng sưu tầm để khách tham quan có thể tìm hiểu lịch sử độc đáo của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Các thiết chế trưng bày có tính tiếp nối thời đại như phong cách Mỹ Sơn E1, Đồng Dương, Trà Kiệu, Chánh Lộ và Tháp Mẫm đều có hiện vật thuộc các loại hình: Tượng, đài thờ và vật trang trí...

Kể từ khi UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho ba hiện vật quý tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, số lượng khách đến bảo tàng đã tăng đột biến. Đây là lần đầu tiên, các hiện vật trưng bày thu hút được sự quan tâm đặc biệt này. Nếu các hiện vật chính thức được công nhận là bảo vật quốc gia, thì sẽ là cơ hội để văn hóa điêu khắc Chăm được phổ biến rộng rãi đến công chúng.

Tuy nhiên, đối với một thành phố hiện đại với tốc độ phát triển nóng như Đà Nẵng, nhiều giá trị văn hóa vẫn đang bị chìm lấp, chưa phát huy được giá trị. Hiện nay, khách tham quan bảo tàng chủ yếu là người nước ngoài, còn khách du lịch trong nước rất ít. Hơn nữa, các hiện vật trưng bày với phong cách cũ, cứng nhắc, khép kín, đơn điệu và không có hồ sơ chi tiết đi kèm khiến khách du lịch dù có lui tới đây cũng rơi vào trạng thái “mù” thông tin. Ông M.EgGar - một du khách nước ngoài có mặt tại bảo tàng nói: “Những hiện vật điêu khắc trưng bày tại đây rất thu hút tôi, nhưng chúng bí ẩn quá. Tôi thấy chúng “ngủ yên” trong khi tôi muốn chúng “thức dậy” để bộc lộ nhiều giá trị hơn nữa, nhiều thông tin hơn nữa để chúng tôi có thể hiểu thêm về nền điêu khắc, kiến trúc độc đáo hiếm có này”.

Bài và ảnh: Thụy Văn