12:20 01/12/2015

Báo Nam Phi viết về chính sách chống biến đổi khí hậu của Việt Nam

Ngày 29/11, ngay trước thềm COP21 tại Paris, báo The Diplomatic Society - một kênh thông tin uy tín của Nam Phi - có bài viết về chính sách chống biến đổi khí hậu của Việt Nam với tiêu đề Bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững với những nội dung đáng chú ý như sau:


Bài viết mở đầu với đánh giá thực tế và khoa học về tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của nước biển dâng đối với các nước trong đó có Việt Nam.

Bài viết về chính sách chống biến đổi khí hậu của Việt Nam trên báo The Diplomatic Society.

Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác ở châu Á, Việt Nam cũng đang phải đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và mùa đông 2015 sẽ là mùa đông ấm với nhiệt độ trung bình cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây tại Việt Nam.

Thực tế là, với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, nhiều vùng đất ven biển trong đó trên 80% diện tích đồng bằng sông Mekong và trên 30% diện tích đồng bằng sông Hồng có độ cao dưới 2,5m so với mực nước biển, dễ bị ảnh hưởng của bão, lốc, lượng mưa cao và thất thường, nên Việt Nam cũng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nếu nước biển dâng 1m, khoảng 40% đồng bằng sông Mekong, 11% đồng bằng sông Hồng và 3% các vùng bờ biển sẽ bị ngập hàng năm, khoảng 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất khoảng 10% GDP. Nếu nước biển dâng 3m, sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên tới 25%.

Bài viết đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đề ra và thực hiện chính sách chống biến đổi khí hậu: Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto; phê duyệt và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (2008), xây dựng và công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam (2009) và công bố kết quả cập nhật kịch bản (2012); phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (2011-2020), thành lập ủy bản quốc gia về biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu cũng được Chính phủ Việt Nam lồng ghép trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội (2011-2020) và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (2011-2014)… Ngoài ra, với sự giúp đỡ của các nước bạn bè, các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã triển khai hàng loạt các mô hình ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng…

Hệ thống pin mặt trời được lắp đặt tại Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Bài viết nhấn mạnh phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Hội nghị bộ trưởng môi trường ASEAN lần thứ 13 và các hội nghị liên quan (28/10): “Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh lương thực và nguồn nước đã trở thành vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu. Không một quốc gia hay cường quốc nào đủ sức giải quyết mà cần có sự hợp tác của cả cộng đồng quốc tế”.

Chính vì thế, nên tại Hội nghị COP21, Việt Nam cùng với 195 nước thành viên Liên hợp quốc mong muốn đạt được thỏa thuận chung để cùng hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ lợi ích của chính mỗi quốc gia và của mỗi người dân.

Điều này thể hiện rõ qua Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định của Việt Nam gửi Ban thư ký UNFCCC ngày 30/9 vừa qua. Trong đó, Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vời nguồn lực trong nước; và có thể cắt giảm tới 25% nếu tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Kết thúc bài viết là khẳng định: đặt mục tiêu phát triển kinh tế đi kèm với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Việt Nam - quốc gia đang phát triển ở châu Á - đã xác định cho mình hướng đi phù hợp với mục tiêu chung của nhân loại. Đây cũng là đóng góp của nhân dân Việt Nam vì một môi trường sống tốt hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

MN