07:19 01/07/2016

Báo mạng thời “lá cải”

Trên trang fanpage của các tờ báo mạng, nhiều độc giả bình luận rằng báo mạng bây giờ “lá cải” nhiều quá.

Sở dĩ họ nói như thế là vì các tờ báo mạng và những trang thông tin điện tử (của những tờ báo in) đưa tin giật gân, câu khách nhiều quá, đếm không xuể. Công chúng nói như thế không phải không có lý. Hãy thử lướt một một vài trang báo mạng mà xem. Các tin “lá cải” chiếm 60% trong tổng số tin. Nhiều báo vì muốn cải thiện kinh tế, thu hút sự hiếu kỳ của bạn đọc nên không ngần ngại đi ngược lại với đạo đức nghề báo, tiêu chí tờ báo, vi phạm nguyên tắc tác nghiệp, thậm chí còn mang tiếng là xoi mói đời tư cá nhân người khác quá nhiều.

Thậm chí có vài tờ báo mạng khá nổi tiếng (phát triển từ báo in) cũng không tránh khỏi vòng xoáy kinh tế, buộc phải giật tiêu đề “kinh khủng” để câu khách. Hay những báo điện tử đàng hoàng nhưng tách một mảng riêng ra, chuyên đưa tin giật gân, nhắm đến đối tượng là các bạn trẻ. Đơn cử là tờ báo T có vị trí quan trọng trong làng báo Việt Nam (mảng báo in). Báo điện tử T có riêng một trang I dành cho các bạn trẻ yêu văn nghệ, thể thao. Nội dung thì cạn, chỉ xoay quanh các vấn đề ca sĩ này ngoại tình, nghệ sĩ cải lương kia ly hôn, diễn viên kịch nọ đòi nợ mướn.

Đời thường kiểu tạp nham. Lại có tờ báo Đ, cách đây 3 tháng giật một nhan đề dài thậm thượt, vô cùng kinh khủng khi thuật lại cảnh vú em người Uzbekistan sát hại bé gái ở Nga. Chưa dừng lại ở đó, báo điện tử này có rất nhiều tin giật tít hết sức rùng rợn, chủ yếu đánh vào tâm lý hiếu kỳ của công chúng nhằm câu view, câu like. Tuy nhiên, nội dung thì sáo rỗng, không có nguồn hay dẫn chứng rõ ràng, dù các bài viết này thuộc dạng hồ sơ-tư liệu. Điều này đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp vì người làm báo, không nên mô tả những chi tiết chết chóc, rùng rợn mà cần phải giảm nhẹ tình tiết để báo chí và đời sống không phủ màu u ám.

Vì chiếm ưu thế hơn báo in, phát thanh và truyền hình trong vấn đề đưa tin (có thể sửa chữa nội dung nhanh chóng) nên một số tờ báo mạng đăng tin một cách tùy tiện, dễ dãi. Đã đến lúc công chúng cần phải khắt khe với báo mạng và các trang thông tin điện tử. Không thể dễ dàng tin và mang câu chuyện đó đi đồn thổi theo như những gì báo mạng, trang thông tin điện tử kiểu “lá cải” viết. Điều đó hết sức nguy hiểm vì vô tình chính chúng ta cũng đang a dua theo “tin vịt”, gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận. Cần có cái nhìn đúng đắn bằng việc so sánh câu chuyện ấy với nhiều nguồn tin khác nhau, hoặc chỉ nên xem các tờ báo mạng có uy tín. Về phía cơ quan chức năng, cần thường xuyên giám sát và có biện pháp chế tài đối với những tờ báo “lá cải” đến mức xa rời tiêu chí, đường lối của báo chí Việt Nam.
Đặng Trung Công