04:21 19/04/2015

Báo in Nhật vững vàng trước khó khăn

Trong dòng chảy của tri thức và thông tin, báo in cũng góp phần không nhỏ với sứ mệnh truyền tải thông tin đến với công chúng. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của viễn thông và các thiết bị cầm tay trong những năm gần đây, báo in đang “tụt dốc không phanh”...

Trong dòng chảy của tri thức và thông tin, báo in cũng góp phần không nhỏ với sứ mệnh truyền tải thông tin đến với công chúng. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của viễn thông và các thiết bị cầm tay trong những năm gần đây, báo in đang “tụt dốc không phanh” khi nhiều tòa soạn báo tiếng tăm trên thế giới đứng trước nguy cơ giải thể, sáp nhập hoặc phải chuyển sang hình thức báo điện tử để tiếp tục tồn tại.

Số lượng báo in sụt giảm mạnh

Không thoát khỏi xu thế chung của thế giới, báo in ở Nhật Bản đang đứng trước nhiều thử thách khi số lượng xuất bản giảm mạnh trong những năm gần đây. Nhật báo hàng đầu Nhật Bản “Yomiuri Shimbun” hiện vẫn là tờ báo có số lượng xuất bản lớn nhất thế giới với gần 10 triệu bản/ngày cho số buổi sáng nhưng thời gian gần đây cũng chứng kiến sự sụt giảm thảm hại. Con số chính thức cho số báo phát hành buổi sáng của “Yomiuri Shimbun” vào tháng 11/2014 là 9.345.155 bản, bỏ xa tờ báo đứng thứ hai ở Nhật là 2,3 triệu bản và tờ đứng thứ ba tới 6,06 triệu bản. Trước đó, tính từ đầu năm 2011 đến đầu năm 2013, số lượng ấn bản trung bình dao động từ 9,9 triệu đến 9,8 triệu bản. Như vậy, sang năm 2014, lượng xuất bản của tờ báo hàng đầu thế giới này giảm tới gần nửa triệu bản so với một năm trước đó.

“The Japan News” là báo in tiếng Anh của tờ “Yomiuri Shimbun” mới được đổi tên từ đầu năm 2014. Đây được coi là ứng cử viên tiềm tàng cạnh tranh vị trí số 1 của tờ báo tiếng Anh “Japan Times” ở Nhật Bản.



Không chỉ Yomiuri mà các tờ báo khác của Nhật Bản cũng lâm vào tình cảnh tương tự, chỉ khác là tốc độ giảm tương đối chậm. Trong nửa cuối năm 2014, báo Sankei xuất bản trung bình 1.615.209 bản/ngày (giảm 0,1% so với năm trước), báo Mainichi 3.298.779 bản/ngày (giảm 1,5%). Hai tờ báo lớn nhất là Yomiuri và Asahi giảm lần lượt 6,1% và 5,9%. Sau bê bối đưa tin sai về tài liệu điều tra hạt nhân của cố Giám đốc nhà máy Fukushima 1 và quyết định từ chức của Chủ tịch Tadakazu Kimura sau đó ít lâu, báo Asahi lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về uy tín và kèm theo đó là số lượng ấn bản giảm kỷ lục do bị người đọc tẩy chay. Tuy vậy, sự sụt giảm này cũng là do tác động của xu thế chung mà vụ bê bối trên chỉ là giọt nước khiến Asahi đứng bên bờ vực đổ vỡ.

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng lượng xuất bản của các tờ báo cấp quốc gia và địa phương ở đất nước mặt trời mọc vẫn ở con số đáng mơ ước đối với nhiều tờ báo trên thế giới.

Nền tảng vững chắc từ văn hóa đọc

Sự ham mê văn hóa đọc là một đặc trưng của người Nhật và đây cũng là lý do khiến báo in ở Nhật Bản chưa đến chỗ tuyệt diệt. Người Nhật là một dân tộc có bề dày về văn hóa đọc, ham thích những cái mới lạ và dễ dàng tiếp nhận những tri thức mới. Người Nhật đã chủ động học hỏi những tinh hoa của văn hóa Trung Hoa thời Đường và các triều đại rực rỡ sau đó ở Trung Quốc.

Sau khi văn minh Trung Hoa thoái trào, Nhật Bản hướng đến phương Tây qua các thương nhân từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan. Nổi bật hơn cả là phong trào “Lan học”, học hỏi Hà Lan, phát triển rực rỡ vào thời đại Edo khi Hà Lan là một cường quốc trên thế giới. Chính sự tiếp xúc chủ động với văn minh phương Tây đã tạo bước đệm quan trọng để Nhật Bản thực hiện cuộc Duy Tân Minh Trị năm 1868 khi mọi nhân tố cần thiết cho công cuộc duy tân đã chín muồi. Điều làm nên những thành công vượt bậc của một dân tộc như Nhật Bản chính là tri thức mới và những tri thức đó được người Nhật tích luỹ qua văn hoá đọc.

Trong dòng chảy của văn hóa đọc, báo chí Nhật Bản cũng có mặt từ rất sớm, trước Duy Tân Minh Trị gần 6 năm. Ngày 1/1/1862 (tức ngày 2/12 năm Văn Cửu thứ nhất), tờ báo tiếng Nhật đầu tiên đã ra đời đại diện cho tiếng nói của Chính quyền Mạc Phủ. Sau hơn 150 năm, báo in Nhật Bản đã đạt được bước tiến vượt bậc với các tờ báo có lượng xuất bản hàng đầu thế giới. Trước đó, ở Nhật Bản đã xuất hiện hai tờ báo tiếng Anh được xuất bản trong nước là tờ “The Nagasaki Shipping List and Advertiser” phát hành số đầu tiên ngày 22/6/1861 tại Nagasaki và “Japan Herald” tại Yokohama ngày 23/11/1861. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy nhu cầu đọc báo và tìm hiểu tin tức thời sự đã có từ rất sớm ở một xã hội đang tỏ rõ quyết tâm thoát Á nhập Âu.

(Còn tiếp)


Bài và ảnh: Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)