07:16 26/07/2025

Bảo hiểm y tế mở rộng chi trả, thêm cơ hội điều trị cho trẻ bị tật khúc xạ

Nhiều phụ huynh bất ngờ khi đưa trẻ đi khám cận thị, lác mắt được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán và được bệnh viện phổ biến quy định mới của Luật BHYT.

Chú thích ảnh
Trẻ khám tật khúc xạ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. 

Mở rộng cơ hội điều trị cho trẻ

Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, từ đầu tháng 7 đến nay, số lượng trẻ đến khám các bệnh liên quan đến tật khúc xạ, lác mắt khá đông.

Chị P.T.H (ở Tương Mai, Hà Nội) cho biết: “Bác sĩ tuyến dưới đã có phổ biến về việc điều trị lác mắt sẽ được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả từ tháng 7 năm nay, nên tôi xin giấy chuyển tuyến để đưa con lên tuyến trên điều trị. Trước kia, tôi cho cháu đi khám hoàn toàn mua phiếu khám dịch vụ, tiền khám trước đây khoảng 300.000 đồng/lần; nhưng lần này con tôi đã được chi trả tiền khám”.

Cũng đưa con 8 tuổi đi khám cận thị, chị Nguyễn Hương Giang (ở Hà Nội) chia sẻ: “Lần này đi khám cận thị cho con, tôi được biết các cháu đã được BHYT trả chi phí. Như con tôi sẽ phải theo dõi và điều trị định kỳ, nên việc được chi trả tiền khám khiến gia đình rất mừng, đỡ được một phần chi phí khá lớn. Điều này cũng tạo điều kiện để các cháu nhỏ bị cận thị, viễn thị, loạn thị được điều trị thường xuyên hơn, kiểm soát bệnh tốt hơn...”.

Còn tại Bệnh viện Mắt Trung ương, theo nhiều bệnh nhân, tuy không biết quy định mới, nhưng khi làm thủ tục thanh toán ra viện vẫn được chi trả. “Khi làm thủ tục thanh toán mổ điều trị mắt lác bẩm sinh cho con, tôi được nhân viên bệnh viện tư vấn về việc cháu dưới 18 tuổi nên được chi trả BHYT. Chi phí mổ của cháu hết tổng 7 triệu đồng và được BHYT chi trả 1,4 triệu. Con tôi vẫn được hưởng dù không xin giấy chuyển tuyến lên Bệnh viện Mắt Trung ương”, bố bệnh nhi P.T.T.D (ở Vĩnh Tuy, Hà Nội) bày tỏ.

Theo bà Cát Vân Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Mắt Trung ương, trước đây chỉ có trẻ dưới 6 tuổi phẫu thuật lác mắt mới được BHYT chi trả, nhưng từ ngày 1/7 đã được mở rộng đối tượng chi trả tới dưới 18 tuổi. Đây là một thay đổi lớn, giúp nhiều trẻ em được hưởng quyền lợi BHYT khi phẫu thuật lác; nhất là tạo điều kiện hỗ trợ cho nhiều gia đình không có điều kiện có thể đưa con đi mổ sớm.

Việc phát hiện và can thiệp sớm tật khúc xạ, lác mắt, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, mà còn góp phần bảo vệ thị lực lâu dài cho trẻ trong quá trình học tập và phát triển sau này.

Phổ biến rộng rãi tới người dân

Theo quy định mới của Luật BHYT sửa đổi năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, người dưới 18 tuổi được BHYT chi trả khi điều trị cận thị các tật khúc xạ. Trẻ em dưới 18 tuổi khi khám và điều trị các bệnh lý trên sẽ được BHYT chi trả, giảm gánh nặng tài chính cho người dân.

Việc triển khai chính sách mới tại các cơ sở y tế đã sẵn sàng, nhưng nhiều người dân vẫn còn chưa nắm được chính sách mới và quy trình, dẫn đến thiếu các thủ tục như xin giấy chuyển tuyến, gây trở ngại khi thanh toán.

BS. Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết: Theo thống kê ban đầu, từ khi có quy định mới của BHYT, quyền lợi tăng lên, lượng bệnh nhân đến khám tật khúc xạ có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ có giấy chuyển viện đã cao hơn rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa nắm được.

Theo BS. Nguyễn Mạnh Hải, khi có quy định mới về việc BHYT sẽ chi trả cho việc khám, chữa bệnh liên quan đến tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị), điều trị lác mắt. Bệnh viện Mắt Hà Nội đã nghiên cứu và triển khai việc tuyên truyền tới người bệnh, trên fanpage, các kênh của bệnh viện để người dân nắm được quy định mới. Khi người dân đến khám tại bệnh viện, tổ truyền thông cũng phải phối hợp tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân biết và thực hiện. Điều này cho thấy, khi được BHYT chi trả, người dân sẽ có nhiều cơ hội hơn và phối hợp tốt hơn trong điều trị các bệnh lý về mắt.

Bệnh viện Mắt Hà Nội cũng khuyến cáo, để trẻ dưới 18 tuổi được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi khám tật khúc xạ, lác, phụ huynh cần lưu ý, đưa trẻ đến cơ sở y tế nơi đăng ký BHYT ban đầu hoặc có giấy chuyển tuyến hợp lệ để được hưởng mức chi trả cao nhất. Bên cạnh đó, phụ huynh cần chuẩn bị giấy tờ đầy đủ như: Thẻ BHYT còn hiệu lực; giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD hoặc giấy khai sinh; với trẻ dưới 6 tuổi, chỉ cần xuất trình thẻ BHYT).

Đặc biệt, phụ huynh cần theo dõi cho trẻ khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh; theo dõi các dấu hiệu bất thường về mắt như: Nheo mắt, dụi mắt thường xuyên, nhìn sát, khó nhìn xa... Bác sĩ cũng khuyến cáo nên cho trẻ khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng/lần để phát hiện sớm các tật khúc xạ hoặc lệch trục thị giác.

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 5 triệu trẻ em mắc các tật khúc xạ; tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ chiếm tới 50%. Vì vậy, việc mở rộng danh mục chi trả BHYT cho các dịch vụ trên giúp hàng triệu trẻ em được tiếp cận sớm với các phương pháp điều trị, bảo vệ sức khỏe của thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, theo TS. Cát Vân Anh, dù luật đã quy định hỗ trợ chi trả khám, điều trị tật khúc xạ cho nhóm dưới 18 tuổi, nhưng thực tế bệnh nhân vẫn chưa được hưởng nhiều; vì với bệnh này, điều bệnh nhân cần nhất là kính đeo để điều chỉnh tật khúc xạ, nhưng hiện vẫn chưa nằm trong danh mục được BHYT thanh toán. Đặc biệt, phẫu thuật tật khúc xạ cũng vẫn còn nằm ngoài danh mục được bảo hiểm chi trả.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc