12:17 02/12/2017

Bạo hành trẻ mầm non: Giáo viên thiếu kỹ năng, đạo đức suy thoái

Hành vi bạo hành trẻ là biểu hiện sự bất lực của giáo viên khi không có phương pháp giáo dục đúng đắn và đó cũng là sự xuống cấp của đạo đức nghề nghiệp.

Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12), nơi xảy ra bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận gần đây. Ảnh: CTV

Lo lắng chỗ gửi con an toàn

Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 1.800 nhóm, lớp mầm non tư thục được cấp phép. Thực tế cho thấy, đa phần các vụ bạo hành trẻ mầm non thời gian qua xảy ra ở các nhóm, lớp trẻ mầm non tư thục. Thực trạng này khiến người dân rất bức xúc và lo lắng về chỗ gửi con an toàn. Bởi số trường mầm non công lập tại thành phố hiện chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu gửi con của người dân trên địa bàn.

Có nhiều năm tham gia hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền trẻ em, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội bảo vệ trẻ em TP Hồ Chí Minh nhận định: Những vụ việc bạo hành trẻ được phát hiện và xử lý mới chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm", thực tế còn nhiều vụ việc chưa được đưa ra ánh sáng do không có bằng chứng. Các vụ bạo hành trẻ để lại những hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, gây nhức nhối trong dư luận, nhưng vẫn chưa được giải quyết tận gốc. Một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là việc cấp phép và quản lý các nhóm, lớp trẻ tư thục còn lỏng lẻo, nhất là những yêu cầu về tiêu chuẩn người đứng đầu và giáo viên chưa thực sự được đảm bảo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, quy định cá nhân đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định. Nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện này, chủ nhóm trẻ dễ dàng đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên chất lượng vẫn là điều đáng lo ngại. Nhiều người mở nhóm, lớp với mục đích chạy theo lợi nhuận hơn là vì yêu nghề, vì trách nhiệm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ ở lứa tuổi mầm non đã xảy ra.

Bà Phạm Thị Loan, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh cho rằng, yêu cầu về chứng chỉ theo quy định là khá dễ dàng để các chủ nhóm, lớp hoàn tất hồ sơ, tuy nhiên về nghiệp vụ chuyên môn thì chưa đảm bảo yêu cầu. Trong khi đó, để làm tốt vai trò chăm sóc, giáo dục trẻ thì người chủ nhóm, lớp phải am hiểu chuyên môn, vững nghiệp vụ sư phạm mầm non. Mặt khác, những quy định về tiêu chuẩn giáo viên, cơ sở vật chất... đối với nhóm, lớp mầm non tư thục hiện nay còn đơn giản, chưa chặt chẽ, khiến cho quá trình kiểm tra, thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Thừa nhận việc phát hiện, ngăn chặn các vụ bạo hành trẻ em ở các cơ sở mầm non tư thục còn nhiều khó khăn, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng những vụ việc bạo hành xảy ra thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo có một phần trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát về chuyên môn. Để tăng cường công tác quản lý, ngành rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể trong giám sát thường xuyên đối với các nhóm lớp tư thục, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ.

Về công tác chỉ đạo, triển khai các quy định bảo vệ trẻ em cũng như quản lý các cơ sở mầm non ngoài công lập, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, có đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ thành phố đến các quận, huyện, phường, xã; đồng thời công tác kiểm tra, thanh tra được các cấp chính quyền địa phương và ngành giáo dục và đào tạo thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, tình trạng bạo hành trẻ vẫn xảy ra ở mức độ nghiêm trọng là vấn đề cần được các ngành nghiêm túc nhìn nhận.

UBND thành phố yêu cầu các ngành chức năng vào cuộc và có những hành động thiết thực để xử lý vấn đề này, không để xảy ra bạo hành trẻ tương tự như vụ việc ở cơ sở Mầm Xanh. Để giám sát hoạt động chăm sóc, dạy trẻ, giải pháp trước mắt là lắp camera tại tất cả các nhóm, lớp mầm non tư thục, trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và sớm báo cáo, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo triển khai.

Biểu hiện sự bất lực của giáo viên

Các vụ bạo hành sẽ để lại cho trẻ những tổn thương rất nghiêm trọng không chỉ về mặt thể chất mà ảnh hưởng đến phát triển tinh thần của trẻ. Về góc độ tâm lý có thể những tổn thương đó không thể hiện ngay, nhưng nếu trẻ bị bạo hành trong thời gian dài những cú sốc tâm lý ảnh hưởng nặng nề về sau. Các vụ bạo hành trẻ xảy ra trong các cơ sở mầm non thời gian qua khiến dư luận băn khoăn về chất lượng giáo viên mầm non, nhất là về đạo đức nghề nghiệp. Mặc dù những hành vi sai trái đó xuất phát từ bản thân mỗi cá nhân, nhưng trong đó cũng có một phần trách nhiệm, vai trò của công tác đào tạo giáo viên.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hành vi bạo hành trẻ là do người chăm sóc, giáo dục trẻ thiếu kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức suy thoái. Do vậy, phòng chống bạo hành trẻ mầm non không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, mà còn là nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị đào tạo giáo viên mầm non.

Ở góc độ công tác đào tạo giáo viên, theo ông Hoàng Hữu Lượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, một phần nguyên nhân của việc xảy ra các vụ bạo hành trẻ em là do trong công tác giáo dục hiện còn xem nhẹ đào tạo con người, mới chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn. Điều này cần phải được xem xét lại. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác hướng nghiệp để học sinh lựa chọn nghề đúng đắn. Một người khi đã lựa chọn nghề giáo viên mầm non trước hết cần có lòng yêu trẻ, tâm huyết với nghề. Nếu không thật sự yêu nghề sẽ dễ dẫn đến những hành động không phù hợp khi công việc có nhiều áp lực.

Còn theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, hành vi bạo hành trẻ là biểu hiện sự bất lực của giáo viên khi không có phương pháp giáo dục đúng đắn và đó cũng là sự xuống cấp của đạo đức nghề nghiệp. Do đó cần nâng cao vị trí, vai trò của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục, chương trình đào tạo cần khắt khe hơn, chuẩn mực hơn.

Hoan nghênh chủ trương của lãnh đạo thành phố về việc nghiên cứu gắn camera ở tất cả các cơ sở mầm non tư thục, tuy nhiên Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng giải pháp này cũng chưa phải căn cơ; quan trọng nhất là cần siết chặt các điều kiện cấp phép và quản lý hoạt động nhóm, lớp trẻ tư thục, chứ không nên để tình trạng mỗi khi có vụ việc đáng tiếc xảy ra mới rốt ráo kiểm tra, theo dõi. Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, hiện nay khung xử phạt các hành vi bạo hành trẻ còn quá nhẹ, cần thiết phải tăng nặng mức xử lý đủ tính răn đe.

Ngay sau khi vụ bạo hành trẻ xảy ra ở cơ sở mầm non Mầm Xanh, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động các cơ sở nuôi dạy trẻ ngoài công lập trên địa bàn thành phố; trong đó tăng cường kiểm tra, thanh tra, siết chặt quản lý, kiên quyết đóng cửa và xử lý nghiêm, kịp thời các cơ sở giáo dục vi phạm.

Các quận, huyện phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tăng cường giám sát việc nuôi, dạy trẻ của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; đồng thời rà soát đội ngũ chủ nhóm, giáo viên và nhân viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập để có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ, đặc biệt là bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo theo quy định.

T.Hoài (TTXVN)