05:08 31/05/2013

Bao giờ xử phạt được người hút thuốc lá?

Từ 1/5/2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, sau một tháng triển khai, đến nay các cơ quan chức năng vẫn đang tìm cách để Luật đi vào cuộc sống.

Từ 1/5/2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, sau một tháng triển khai, đến nay các cơ quan chức năng vẫn đang tìm cách để Luật đi vào cuộc sống.


Khó xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.

 

Luật phòng chống tác hại của thuốc lá quy định, phạt từ 100.000 - 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá không đúng nơi quy định như nhà ga, bến xe, bệnh viện, trường học... Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, tại TP Hồ Chí Minh sau gần một tháng triển khai, hầu hết các đơn vị vẫn đang loay hoay tìm cách xử phạt người vi phạm.

 

Bác sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM cho biết: Dù bệnh viện đã triển khai rất nhiều biện pháp tuyên truyền, tập huấn về việc thực hiện luật cấm hút thuốc lá nhưng kết quả chưa như mong muốn. “Theo tôi, khâu xử phạt còn nhiều bất cập, lực lượng thanh kiểm tra quá mỏng...”, ông Thịnh cho biết. Vì vậy, người dân vẫn thờ ơ với việc chấp hành luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Lực lượng bảo vệ của bệnh viện chỉ có quyền nhắc nhở, chứ không có quyền xử phạt những người hút thuốc lá trong bệnh viện. Trong khi đó, người có quyền xử phạt là thanh tra sở y tế, công an, chính quyền địa phương, nhưng lực lượng này còn rất mỏng và kiêm nhiệm nhiều công việc.


Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây cũng cho rằng, rất khó để dẹp được tình trạng hút thuốc lá tại những nơi công cộng nếu luật không quy rõ trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cơ quan. Hiện, các bệnh viện, bến xe, nhà ga... mới lắp đặt biển cấm hút thuốc, yêu cầu bảo vệ theo dõi, nhắc nhở; còn việc bắt giữ, xử phạt người hút thuốc thì không thể vì những đơn vị này không có thẩm quyền. Theo luật, để xử phạt một hành vi vi phạm, điều cần thiết là phải có bằng chứng. Thế nhưng thời gian hút một điếu thuốc lại rất ngắn, người hút lại dễ dàng phi tang điếu thuốc ngay khi thấy lực lượng chức năng, do đó sẽ rất khó khăn trong việc xử lý hành vi vi phạm này.


Luật cũng nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua bán thuốc lá. Những hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi buôn bán và vận chuyển thuốc lá sẽ bị phạt từ 500.000 - 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều người lại tỏ ra băn khoăn khi áp dụng điểm mới này vào thực tế. Bởi người bán khó phân biệt được người mua có đủ tuổi hay không, và họ cũng không có thẩm quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy chứng minh nhân dân để xác định độ tuổi... Bên cạnh đó, một số người bán vì lợi nhuận trước mắt, sẵn sàng bỏ qua quy định này.


Tiến sỹ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho rằng, để luật có tính khả thi cao, chúng ta cần phải đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục người dân nhiều hơn về tác hại của thuốc lá; Nâng cao ý thức pháp luật, chấp hành pháp luật của người dân. Đồng thời, phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc lá. Cuối cùng là xử phạt những người vi phạm một cách nghiêm khắc. “Theo tôi, tốt nhất nên xử phạt ở những điểm có nhiều người vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Quang cho biết.


Trong khi chờ các cơ quan chức năng điều chỉnh quyền và trách nhiệm người xử phạt, sắp tới Bệnh viện Ung Bướu sẽ liên tục nhắc nhở người ra vào bệnh viện chấp hành nghiêm quy định này. Khi phát hiện có người hút thuốc, bệnh viện sẽ yêu cầu người đó tới văn phòng lập biên bản, khai tên, tuổi, địa chỉ... Đây là động thái đánh vào tâm lý của người vi phạm.


Bác sỹ Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết: “Vẫn biết việc xử lý, xử phạt người hút thuốc lá trong bệnh viện là rất khó, nhưng các bệnh viện phải có trách nhiệm triển khai thực hiện những quy định theo pháp luật. Thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ tiến hành kiểm tra và sẽ xử phạt bệnh viện nào vẫn để xảy ra tình trạng còn người hút thuốc lá trong bệnh viện của mình”.


Nhiều luật sư cho rằng, việc xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng rất khó thực hiện bởi đây chỉ là xử lý phần ngọn của sự việc. Muốn xử lý tận gốc, chúng ta nên đánh thuế cao đối với các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thuốc lá.


Ông Huy Quang cho biết, hiện nay, thuế đánh vào thuốc lá là thuế tiêu thụ đặc biệt, đang ở mức độ cao, cụ thể ở mức 65% giá xuất xưởng. Theo lộ trình, việc tăng phần trăm thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào thuốc lá sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới. Ngoài ra, bắt đầu từ 1/5/2013, bên cạnh việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá còn phải nộp khoản bắt buộc trước mắt là 1% giá xuất xưởng cho Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá.


“Nhờ xử phạt nặng hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng và đánh thuế cao đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc lá mà nhiều nước đã hạn chế được tình trạng hút thuốc lá. Thực tế, nhiều người Việt Nam khi đi ra nước ngoài cũng rất tuân thủ quy định trên. Thế nhưng, khi về nước, họ lại tỏ ra thờ ơ với Luật cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng. Điều này cho thấy, chúng ta có luật nhưng luật chưa thực sự đủ mạnh”, bác sỹ Huy Thịnh cho biết.

 

Đ.Phương - H.Tuyết