07:06 29/07/2018

Bao giờ đề tài tốt nghiệp của sinh viên có tính ứng dụng - Bài 2: Vì sao tính thực tế đề tài còn hạn chế

Thực tế cho thấy đề tài tốt nghiệp chính là cầu nối với công việc sau khi sinh viên ra trường. Đây cũng chính là mục đích mà nhà trường, giảng viên hướng dẫn định hướng, cũng như nhà tuyển dụng sẽ nhận diện được một phần năng lực của các em.

Khó xiết chặt việc làm khóa luận, đồ án

Em Phạm Đình Nguyện trong buổi bảo vệ đồ án tại ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội.

GS Nguyễn Chiến, Giảng viên cao cấp ĐH Thủy lợi Hà Nội, người đã có kinh nghiệm hơn 40 năm hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp tại Khoa Công Trình cho biết: “Trong mấy năm gần đây, thể hiện sự phân hóa tương đối rõ. Một số sinh viên tích cực trong quá trình làm thì ham học hỏi để tìm hiểu nội dung. Các em còn tìm nhiều nguồn tài liệu trên mạng cũng như sự tham vấn của các thầy cô để làm đồ án sinh động hơn. Nhưng có phải đến già nửa sinh viên làm đồ án theo kiểu bị động. Cuối đợt các em chỉ cần có quyển nộp. Tất nhiên với những đồ án này chúng tôi không thể đánh giá cao”.


Trải lòng về thực tế này, GS Nguyễn Chiến cho rằng: “So với trước đây, sinh viên làm đồ án bây giờ có khác. Như sinh viên trước đây làm đồ án là ăn đồ án, làm đồ án, phương tiện tính toán tính tay. Nhưng chúng tôi thực sự tập trung và say mê với đồ án nhằm có kết quả tốt, tương ứng với thực tế. Về cơ bản vẫn thiết kế công trình cụ thể nhưng nay các em có nhiều phương tiện hỗ trợ, bản vẽ máy đẹp hơn cùng với nguồn học liệu vô cùng phong phú trên mạng internet. Nhiều công trình thực tế để các em tính toán hơn. Nếu chăm chỉ làm được khối lượng nhiều hơn, tích lũy được nhiều kiến thức hơn".


“Thời gian làm đồ án của sinh viên hiện nay là 14 tuần. Trước khi làm đồ án tốt nghiệp có 6 tuần đi tham quan công trình thực tế đến xin tài liệu cơ sở sản xuất. Đấy là cơ hội, để sinh viên tiếp xúc thực tế. Nay sinh viên học theo tín chỉ thời gian co bớt lại nhưng vẫn có khoảng thời gian thực tập tốt nghiệp. Sinh viên có đến cơ sở sản xuất, có đi thực tế theo các thầy, cô nhưng mức độ tiếp cận thực tế công trình không nhiều. Việc vẽ chiếc đập, cống vẫn là theo hình vẽ mẫu, có khi hỏi lại các em không trả lời được. Đây là hạn chế của việc thiếu thực tế và sẽ ít đề tài ứng dụng chuẩn xác được”, GS Nguyễn Chiến chia sẻ.


Một giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định: “Tôi không thể chấp nhận những đề tài mà nhờ google.com giới thiệu. Hoặc các em chưa từng đi khảo sát lại có bảng số liệu khảo sát rất hợp lý. Chỉ cần vài câu hỏi, các em đã lúng túng ngay với đề tài mà vốn tưởng đã rất thai nghén vất vả”.


Có sự vênh nhau giữa giảng dạy và thực tế làm việc

 Theo bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch điều hành Trường Phổ thông liên cấp Wellspring: Ngay cả với sinh viên tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội có những đề tài tốt nghiệp tưởng như rất gần gũi với thực tế làm việc. Nhưng khi vào hệ thống trường Wellspring hay Edison chúng tôi phải đào tạo lại ít nhất 1, 2 năm. Trong 1, 2 năm đó các em sẽ làm trợ giảng, tích cực tích luỹ các kỹ năng tích hợp.


Bà Lê Tuệ Minh cho rằng những sinh viên dù có khóa luận tốt nghiệp xuất sắc nhưng khi làm việc vẫn phải đào tạo lại. Nguyên nhân là do chương trình giảng dạy ở nhà trường với thực tế là vênh nhau. Việc dạy và học đang thay đổi nhưng chương trình sư phạm, cách dạy và tiếp cận vấn đề không thay đổi, còn mang tính hàn lâm. Vì thế, nhiều em dù với đề tài tốt nghiệp khá hoành tráng nhưng phải học lại các kỹ năng công nghệ thông tin, phương pháp sư phạm mới.


Một giảng viên cao cấp tại ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Những đề tài sinh viên ít tính thực tiễn và thực tế đơn vị tuyển dụng còn kêu ca có nguyên nhân từ người thầy. Giảng viên giờ còn như “thợ dạy”, ít đầu tư nghiên cứ khoa học. Nếu có thì cũng chưa mang tính ứng dụng, rất ít đề tài được doanh nghiệp sử dụng. Do vậy ngày càng xa rời thực tiễn. GS , TS nhưng nếu cứ nhìn đoàn nước ngoài là “tránh như tránh tà” vì hạn chế ngoại ngữ. Vì vậy khả năng học hỏi gần như không có. Bên cạnh đó, phòng thí nghiệm ở các trường nhiều trường đại học còn thiếu thiết bị và công nghệ hiện đại, muốn tiếp xúc với quy trình công nghệ mới của doanh nghiệp thì giảng viên không tham gia được.


GS Nguyễn Chiến, Giảng viên cao cấp ĐH Thủy lợi Hà Nội cho rằng, thời gian để sinh viên tiếp cận với thực tế hiện nay còn ít. Bộ môn cũng có đề nghị nhà trường tăng thêm thời gian thực tập tốt nghiệp. Nhà trường ý thức được điều đó nhưng hiện nay vẫn còn những vướng mắc. Chế độ cho những đối tác để sinh viên đến thực tập chưa có. Hiện nay, những nơi sinh viên đến vẫn là mối quan hệ từ người hướng dẫn, nhưng chỉ nhờ "suông". Về lâu dài khó có thể duy trì được.


GS Nguyễn Chiến cho rằng, các giảng viên hướng dẫn, nhà trường đều hiểu rõ chất lượng đồ án của sinh viên. Nếu không đầu tư, không tiếp cận thực tế, không thể làm việc tốt được. Có nhiều ý kiến là xiết chặt đầu ra nhưng đây lại là vấn đề lớn. Nếu làm vậy thì năm sau số lượng thí đăng ký thi vào trường giảm đi, không đảm bảo nguồn thu cho nhà trường. Đây là sự thực mà trưởng phải chấp nhận và có giải pháp dần dần.

Bài cuối: Chiếc phao nào cho đề tài tốt nghiệp của sinh viên gắn với thực tiễn

HA/Báo Tin Tức