Xây dựng thương hiệu gạo để nâng cao giá trị xuất khẩu

Từ đầu năm 2013 đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm mạnh cả về lượng và giá trị do có sự cạnh tranh khốc liệt từ nguồn cung của các nước trong khu vực. Để nâng cao giá trị của gạo xuất khẩu, làm tiền đề để nâng cao thu nhập cho người nông dân, tại hội thảo “Nâng cao giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam” được tổ chức ngày 12/9 tại TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu cho rằng ngành nông nghiệp cần phải cơ cấu lại sản xuất, đồng thời có chiến lược quảng bá, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo.

Thị trường cạnh tranh khốc liệt

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhu cầu gạo thế giới đang trong xu hướng giảm mạnh, trong khi nguồn cung lại đang thừa, kéo giá gạo ngày càng thấp xuống và tác động tiêu cực đến các nước xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh khốc liệt của những “đại gia” xuất khẩu gạo từ châu Á, khiến thị trường thu hẹp hơn.


 

Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long.

 

Theo đó, Thái Lan đang tung nguồn gạo giá rẻ, Ấn Độ đang tồn kho khoảng 30 triệu tấn gạo nên cũng đẩy mạnh xuất khẩu, trong khi thị trường nhập khẩu lớn nhất hiện nay là Trung Quốc đang hạn chế nhập. Trong khi đó, thị trường truyền thống châu Phi có nhu cầu ổn định nhưng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt khi giá gạo từ Thái Lan và Ấn Độ và cả Pakixtan đều xuống thấp. Hiện còn hai thị trường chính là Philíppin và Inđônêxia có triển vọng nhập khẩu nhưng vẫn đang trì hoãn do giá thị trường sụt giảm và chắc chắn sẽ chịu sự canh tranh gay gắt từ các nguồn cung khác trong khu vực. “Thị trường đang rất xấu, giá xuống rất thấp, liên tục hai tháng qua các doanh nghiệp đều hụt chỉ tiêu xuất khẩu”, ông Bảy cho biết.


Theo VFA, xuất khẩu trong 8 tháng qua đạt số lượng 4,678 triệu tấn, với giá trị đạt khoảng 2,005 tỷ USD, giảm 7,86% về lượng và 10,98% về giá trị so với cùng kì năm 2012. Theo đó, giá xuất khẩu bình quân cũng đã giảm15,04 USD/tấn. “Khả năng trong quý IV này số lượng xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm và có khi sang cả năm 2014. Với đà này, khả năng lượng gạo xuất khẩu trong năm 2013 chỉ đạt khoảng hơn 7 triệu tấn”, ông Bảy nhận định.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trước tình hình xuất khẩu gạo khó khăn, Bộ Công Thương đã chú trọng rất nhiều đến các hoạt động phát triển và xúc tiến thị trường. Theo đó, Bộ đã cung cấp thông tin giá cả thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu, bám sát các thị trường nhập khẩu lớn để tìm những hợp đồng lớn và khai thác, tìm kiếm thị trường mới như châu Phi, Trung Mỹ; đồng thời kí kết thoả thuận với Trung Quốc để xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn do giá từ đối tác.


Cần sắp xếp lại


Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, mặc dù là nước xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới nhưng ngành sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập, như chất lượng gạo xuất khẩu chưa được đánh giá cao trên thị trường, chưa xây dựng được thương hiệu gạo, giá gạo xuất khẩu không ổn định; nhiều thương nhân xuất khẩu gạo không thực sự định hướng đầu tư lâu dài cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu, thiếu chiến lược kinh doanh, chiến lược xây dựng, củng cố và mở rộng thị trường, chưa gắn kết được khâu sản xuất với chế biến xuất khẩu...


Để giải quyết những vấn đề này, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, cần thực thi các giải pháp cụ thể và đồng bộ sau: Thứ nhất về phương diện công tác tổ chức sản xuất, phải căn cứ vào nhu cầu thị trường xuất khẩu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại, mùa vụ để có định hướng chỉ đạo sản xuất phù hợp; đặc biệt là phải kiểm soát tốt quy trình sản xuất để sản xuất lúa gạo hàng hóa có giá trị cao, trong đó cần chính sách ổn định và đảm bảo đầu vào cho người nông dân. Thứ hai là công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu gạo nhằm khẳng định vị trí, uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Để làm được điều này phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thương nhân; đồng thời tham gia các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, quảng bá thông qua các cuộc làm việc, đàm phán song phương, đa phương với đối tác nước ngoài. Thứ ba là về phương diện công tác thị trường xuất khẩu, theo hướng tìm kiếm thị trường phù hợp với tình hình mới. Trong đó, đẩy mạnh giao dịch tại các thị trường tiềm năng và các thị trường mới; đồng thời tích cực tìm kiếm, tổ chức cơ hội giao thương, tìm kiếm khách hàng nhập khẩu, tăng cường hoạt động ngoại giao kinh tế, quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam.


Cũng tại hội thảo, một số chuyên gia trong ngành cũng đã đề xuất nhà nước và các bộ, ngành nên có những đầu tư hơn nữa cho người nông dân. PGS TS Vũ Trọng Khải, Nguyên Hiệu trưởng trường Quản lý cán bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng “Chúng ta đang dùng chính sách vá víu và cách chúng ta đang làm không thể khiến nâng cao giá trị hạt gạo được. Chỉ có hình thành nền nông nghiệp sản xuất theo chuỗi thì mới mong nâng cao được giá trị hạt gạo”. Theo TS.Khải, cả thế giới hiện nay sản xuất theo chuỗi, trong khi Việt Nam không làm theo nên sức cạnh tranh kém và chất lượng thấp.


Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng cần phải chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật thật cặn kẽ, cụ thể cho người dân để người dân tự quyết định sản xuất. Đồng thời Nhà nước nên có chính sách kiểm soát giá cả cung ứng đầu vào. “Giá vật tư như phân, thuốc cao ngất ngưởng chẳng ai thắc mắc, kiểm tra. Nếu nông dân được mua phân, thuốc với giá gần giá xuất xưởng và bán với giá gần với giá xuất khẩu thì đảm bảo người dân sẽ có lãi”, TS Luật nói.


Bài và ảnh: M.Thuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN