Xây dựng hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội là nội dung trọng tâm trong nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc, miền núi. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan đang cản trở việc thi công các công trình ở khu vực này.

Bài 1: Nhọc nhằn xây dựng hạ tầng

 

Do thời tiết khắc nghiệt, vốn ít, giao thông cách trở, việc xây mới và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng ở Mường Nhé đang gặp không ít khó khăn.


Khó khăn chồng chất


Chúng tôi lên xã Mường Toong, huyện Mường Nhé (Điện Biên) để “mục sở thị” quá trình khảo sát thi công nâng cấp công trình thủy lợi bản Nậm Xả. Đây là một trong 16 hạng mục cơ sở hạ tầng trọng điểm năm 2013 của huyện Mường Nhé, được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách. Theo thiết kế, việc nâng cấp thủy lợi bản Nậm Xả sẽ góp phần đáp ứng nước sinh hoạt và sản xuất cho 100 hộ, với 573 khẩu.

Thi công ở những địa hình chia cắt, dốc cao khiến chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và xe máy “đội” cao hơn nhiều lần.


Một ngày trước khi đi Mường Toong, trời mưa khá nặng hạt nên đường lên Nậm Xả khó khăn gấp bội. Anh Phan Xuân Hải, Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng & thương mại Xuân Hải, một nhà thầu đã tham gia xây dựng nhiều công trình hạ tầng ở Mường Nhé, cho biết: Để nâng cấp công trình thủy lợi bản Nậm Xả, thì đơn vị thi công phải vận chuyển nguyên vật liệu trên 250 km đường núi đèo hiểm trở. Từ TP Điện Biên vào Mường Nhé đã hơn 200 km, đường lại đang thi công, không biết bao giờ mới xong. Còn từ Mường Nhé đi Mường Toong thì khó có thể nói hết những gian nan, vất vả. Chưa kể, lúc xây dựng, nếu trời mưa thì công việc phải tạm dừng. Do vậy, việc đề ra tiến độ thi công đối với những công trình ở đây phải được tính toán một cách hợp lý.


“Vốn đầu tư cho công trình hạ tầng ở miền núi lại nhỏ lẻ, mỗi công trình thường không quá 1 tỷ đồng. Trong khi, riêng chi phí vận chuyển nguyên vật liệu vào để thi công cũng đã mất khoảng 20% tổng vốn đầu tư, thậm chí là 30%” - anh Hải trầm ngâm nói.


Có lẽ vì nguyên nhân này mà các doanh nghiệp xây dựng, nhất là những doanh nghiệp cỡ “vừa” trở lên, rất “ngại” tham gia các công trình xây dựng hạ tầng ở vùng miền núi. Cùng với đó, do điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt, các công trình hạ tầng miền núi thường rơi vào hoàn cảnh: Vừa xây dựng vừa chờ vốn, chờ cả… thời tiết ưu ái.


Thiếu kinh phí bảo dưỡng


Quá trình xây dựng đã gian nan vì đường khó, vốn ít, nhưng việc duy tu, bảo dưỡng, phát huy hiệu quả các công trình lại càng vất vả hơn.


Từ năm 2010 đến nay, huyện Mường Nhé được phân bổ gần 25 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 23 công trình cơ sở hạ tầng. Trong đó, 3 công trình từ vốn Chương trình 134, 9 công trình từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, 11 công trình từ vốn Chương trình 135 đầu tư. Đa số các công trình này nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, tổng kinh phí để bảo hành, duy tu 23 công trình này cũng mới chỉ được cấp hơn 850 triệu đồng. Theo các nhà thầu, với điều kiện địa hình, thời tiết ở vùng núi cao như Mường Nhé, kinh phí duy tu, bảo dưỡng như vậy chẳng khác nào “muối bỏ bể”.


Thực hiện Đề án 79, do điều kiện địa hình, thời tiết, giao thông đi lại khó khăn nên đến thời điểm 9/1/2013, trong số 33 dự án công trình hạ tầng thiết yếu cần đầu tư xây dựng, huyện Mường Nhé chỉ mới hoàn thành được 5 dự án, khởi công thực hiện 14 dự án, 10 dự án mới hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, 4 dự án phải dừng thực hiện do không hiệu quả hoặc không thể triển khai thực hiện.

Ông Lò Văn Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé, cho biết: Hiện nhiều công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi trên địa bàn huyện được đầu tư từ năm 2010 trở về trước đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, nhất là công trình thủy lợi bản Huổi Lích 1 (xã Pá Mỳ). Phòng Dân tộc đã lập danh mục 16 công trình cần đầu tư, sửa chữa trong năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.


Còn ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, kiêm Bí thư huyện Mường Nhé, cho biết: Huyện đang tập trung cao độ triển khai thực hiện Đề án 79 về việc “Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015”. Từ đầu năm đến nay, các sở ban ngành, địa phương liên quan đã huy động nhân, vật lực cho việc tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai đề án. Vì vậy, huyện chưa phê duyệt các hạng mục đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình hạ tầng từ nguồn vốn khác. Mặt khác, hiện vẫn đang là mùa mưa nên có vốn cáccông trình cũng không thể thi công hay sửa chữa.

 

Nhóm PV

 

Bài cuối: Đã thiếu vốn, lại chậm giải ngân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN