Vượt lên số phận tật nguyền

Từ thuở lọt lòng, Trần Công Đông (sinh năm 1984) - hiện đang công tác tại Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bị liệt một chân. Gần 30 năm qua, bằng ý chí và nghị lực, chàng trai tật nguyền ấy đã nêu tấm gương sáng vượt lên số phận nghiệt ngã, tiếp sức cho hàng trăm em khuyết tật hòa nhập cộng đồng.


Không khuyết tật ý chí


Lớp học mộc mỹ nghệ chạm trổ, tại trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh Thừa Thiên - Huế, vang lên tiếng máy xẻ gỗ, tiếng đục đẽo lốc cốc. Chống đôi nạng, thầy giáo Trần Công Đông tỉ mẩn hướng dẫn những người thợ trong trung tâm đục, tỉa, gọt, nạo những khúc gỗ sần sùi, thô ráp để tạo ra những sản phẩm tinh xảo như bức tranh khắc gỗ tứ bình, tượng Phật, bình hoa... Nhìn những bức tranh mỹ nghệ, những pho tượng hoàn mỹ, chẳng ai ngờ đó là sản phẩm của những người không lành lặn về thân thể. "Tự nhủ mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người, nên mình luôn nỗ lực cố gắng để tự đứng trên đôi chân của mình và làm những việc có ích cho xã hội. Bởi mình khuyết tật cơ thể chứ không khuyết tật về ý chí", anh Trần Công Đông chia sẻ.

 

Lớp học mộc mỹ nghệ chạm trổ, tại Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh Thừa Thiên - Huế.


Chân trái của Đông không thể cử động từ năm hai tuổi sau cơn sốt bại liệt. Anh là con thứ 2 trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em. Bố là thương binh mất đi đôi tay, mù luôn cả hai mắt, mỗi mình mẹ Đông lăn lộn nuôi sống gia đình. Để được đến trường, Đông nhận chăn trâu thuê, phụ việc đồng áng cùng mẹ. Lên cấp 3, đoạn đường từ nhà đến lớp dài hơn 5 cây số, nhưng đều đặn 5 giờ sáng mỗi ngày, Đông lê từng bước chân chậm chạp đến lớp cho kịp giờ học. Sau khi Đông tốt nghiệp phổ thông, người bố của anh đột ngột qua đời, cuộc sống gia đình lại càng vất vả hơn, anh không thể học tiếp lên cao mà tìm đường vào Nam tìm việc phụ mẹ nuôi các em.


Đến năm 2005, Đông xin vào Trung dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật, thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh. Ở đây, Đông được thầy giáo, bạn bè đồng cảnh cưu mang giúp cho học nghề chạm khắc hàng gỗ thủ công mỹ nghệ. Nghề này đã khó với người bình thường lại càng khó hơn với người khuyết tật. Nghề đòi hỏi trí óc tưởng tượng và một ít sức lực, lúc đầu Đông cảm thấy như mình bất lực vì làm gì cũng vụng về, bưng một vật nặng đi chừng vài mét là làm rơi hoặc bị ngã. Hết ngày này qua ngày khác Đông không ngừng cố gắng. Cùng với sự động viên của các thầy cô, cán bộ Trung tâm, tay nghề Đông ngày một nâng cao, anh làm ra nhiều sản phẩm đẹp và chất lượng bán cho khách tham quan, bán theo đơn đặt hàng, đối tác trong và ngoài nước. Đông luôn tìm hiểu thị hiếu khách hàng, tìm tòi những mẫu mã mới để sáng tạo những sản phẩm mới lạ gây ấn tượng với khách hàng.


Chiến thắng số phận


Sau khi thành nghề, Đông xin ở lại Trung tâm làm việc và đi học khóa sư phạm nghề để tiếp tục hướng dẫn, truyền nghề cho các em khuyết tật ở đây. Đông nói: “Trung tâm là ngôi nhà thứ hai của em, giúp em có thêm nghị lực vượt lên số phận tật nguyền. Nên em mong muốn được làm việc ở đây và có cơ hội để đồng cảm, giúp đỡ các em khuyết tật vươn lên trong cuộc sống". Học trò của Đông, có em là người khuyết tật vận động, có em là khuyết tật trí tuệ... nên với mỗi em, Đông đều có cách dạy riêng. Bằng sự đồng cảm, cũng như cố gắng của thầy và trò, các học viên dần cầm được chiếc dùi, chiếc búa rồi điều khiển chúng theo ý muốn của bản thân để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện. Nhờ vậy, gần 10 năm ở Trung tâm, Đông đã giúp hàng trăm em tự đứng trên đôi chân của mình. Các học viên làm việc ở Trung tâm cũng có thu nhập bình quân từ 500.000 - 700.000 đồng mỗi tháng, một số em thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng. Em Nguyễn Công (thị xã Hương Trà) cho biết: “Em bị liệt hai chân, nhờ có thầy Đông mà giờ em đã có công việc ổn định ở trung tâm thu nhập gần 1 triệu đồng. Ở Trung tâm được ăn ở miễn phí nên hàng tháng em đều dành tiền để gửi về phụ giúp mẹ trang trải cuộc sống".


Ngoài việc truyền nghề cho các em, Đông cũng thường xuyên đi về các địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa để tư vấn, tuyển sinh các em khuyết tật nghèo học nghề tại Trung tâm, giúp các em có được một nghề nghiệp ổn định, để tự lập cho cuộc sống của mình sau này. Bên cạnh đó, Đông có năng khiếu về âm nhạc và thể thao nên được lãnh đạo Trung tâm tạo điều kiện đi giao lưu văn nghệ và thi đấu thể thao người khuyết tật toàn quốc môn cầu lông đạt được nhiều huy chương. Năm 2011, Trần Công Đông vinh dự được góp mặt tham gia đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam trong bộ môn cầu lông tham dự Asean Paragames 2011 tại Indonesia.


Được sự hỗ trợ của Trung tâm, Đông đã xây nhà cửa khang trang và hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi anh lập gia đình và có một bé trai 5 tuổi. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, Trần Công Đông đã chiến thắng số phận và đồng hành cùng nhiều em khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.


Bài và ảnh: Tường Vi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN