Vụ 3 trẻ tử vong sau tiêm chủng: Nỗ lực để sớm có kết luận chính xác nhất

Các chuyên gia đã đưa ra những giả thuyết về nguyên nhân gây ra cái chết của 3 trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, hiện tại chưa thể đưa ra kết luận nào về vấn đề này vì các điều tra vẫn đang được tiến hành.


Vẫn đang điều tra


Đang có mặt cùng đoàn chuyên gia Bộ Y tế kiểm tra thực tế tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), nhằm làm rõ nguyên nhân dẫn tới sự cố 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắcxin viêm gan B; sáng 22/7, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã chia sẻ với Tin Tức: Các giả thuyết về nguyên nhân tử vong là nghi vấn về chất lượng vắcxin, chất lượng dịch vụ tiêm chủng (vận chuyển, bảo quản vắcxin, quy trình tiêm chủng...) hoặc bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên của trẻ. Tuy nhiên, chưa có kết luận chính thức vì quá trình điều tra vẫn đang diễn ra.


Đoàn công tác của Bộ Y tế thăm các sản phụ có trẻ sơ sinh bị tử vong hiện đang điều trị tại Bệnh viên đa khoa huyện Hướng Hóa. Hồ Cầu -TTXVN

 

“Thời gian để đưa ra kết luận về nguyên nhân của vụ việc phụ thuộc vào mức độ, chất lượng các bằng chứng liên quan đến nguyên nhân của phản ứng sau tiêm chủng. Bởi vậy, cũng chưa thể khẳng định tới khi nào thì sẽ có kết luận cuối cùng về vấn đề này”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết.


Liên quan tới vấn đề ông Nguyễn Xuân Tường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị cho rằng: "Thông thường các loại vắcxin sinh phẩm được bảo quản phụ thuộc vào nhiệt độ, trên vỏ vắcxin cần có “Tem chỉ thị nhiệt VVM” để giám sát quá trình bảo quản. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được thể hiện trên mỗi vỏ vắcxin viêm gan B (đã tiêm cho 3 trẻ đã tử vong- PV)"; GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định: “Tem chỉ thị nhiệt VVM là một dữ liệu khuyến khích nên có, chứ không bắt buộc phải có trên vỏ lọ vắcxin. Nó giúp cho việc theo dõi việc bảo quản vắcxin có đúng quy định hay không. Việc thiếu tem chỉ thị nhiệt VVM không phản ánh chất lượng của vắcxin viêm gan B đã tiêm cho trẻ không đảm bảo, vì việc bảo quản vắcxin vẫn được theo dõi thông qua các chỉ số khác (như biểu đồ theo dõi nhiệt độ của tủ lạnh hàng ngày) đúng như quy định Bộ Y tế”.

“Theo tôi, người dân cần bình tĩnh trước thông tin về 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm chủng vắcxin viêm gan B vừa xảy ra tại Quảng Trị. Các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đang nỗ lực để sớm có thể đưa ra những kết luận chính xác nhất dựa trên những bằng chứng khoa học cụ thể”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định.


Vắcxin viêm gan B được sử dụng tiêm cho trẻ sơ sinh tại BV đa khoa huyện Hướng Hóa là vắcxin do Công ty vắcxin và sinh phẩm số 1 sản xuất. Vắcxin này bắt đầu sử dụng từ năm 1997 tại một số tỉnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Từ năm 2003, vắcxin được sử dụng mở rộng ra các tỉnh trong cả nước. Từ năm 2007 đến nay, Công ty vắcxin và sinh phẩm số 1 đã cung cấp khoảng 4,5- 5 triệu liều/năm trước khi sử dụng vắcxin Quinvaxem (tháng 6/2010) và 1,2 triệu liều/năm sau khi sử dụng vắcxin Quinvaxem.


Cần làm rõ để trấn an


Là người phụ trách Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, điều GS.TS Nguyễn Trần Hiển rất lo lắng là nguy cơ sụt giảm tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B 24 giờ đầu sau sinh có thể xảy ra sau sự việc này; như đã từng xảy ra năm 2007-2008, khi có khoảng 10 trẻ sơ sinh bị tử vong sau tiêm vắcxin này.


Thực tế khi đó, trong các năm 2007-2008, lòng tin của người dân và thậm chí của cán bộ y tế về công tác tiêm chủng đã giảm đi rõ rệt, tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh đã giảm từ 64% năm 2006 xuống 6,8 - 24% năm 2008. Sau khi có kết luận của các hội đồng khoa học về nguyên nhân của các phản ứng nặng sau tiêm là liên quan đến các bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên chứ không liên quan đến vắcxin và dịch vụ tiêm chủng; Bộ Y tế đã phải rất nỗ lực để nâng tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh. Nhờ vậy, đến năm 2010, tỷ lệ này đã tăng lên đến 75,5%.


GS Hiển cho rằng, không có loại vắcxin nào là tuyệt đối an toàn 100%, nên vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có phản ứng nặng sau tiêm. Tiêm vắcxin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên để kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Hay đơn giản như việc sử dụng thuốc hay thực phẩm, tùy theo cơ địa của từng người mà có thể xảy ra một số phản ứng nặng hoặc nhẹ. Với vắcxin cũng vậy, phản ứng sau tiêm là nhẹ hay nặng tùy từng trường hợp và tùy loại vắcxin. Những trường hợp phản ứng hay gặp thường là sốt nhẹ, sưng, đau; tỷ lệ phản ứng nặng, gây nguy hiểm cho tính mạng, phải nhập viện thường sau tiêm chủng rất thấp, ít xảy ra. Phản ứng sốc nặng cũng có thể qua khỏi nếu được điều trị thích hợp. Tuy vậy cũng có nhiều trường hợp tử vong sau tiêm chủng vì một lý do khác như trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh khác của trẻ tại thời điểm tiêm chủng.


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN