Vì khí đốt, châu Âu khó trừng phạt Nga

Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã nhiều lần cảnh báo sẽ mạnh tay trừng phạt Nga nếu Moskva không lùi bước. Tuy vậy, tới nay các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa thống nhất về áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga do nhiều nền kinh tế EU phụ thuộc đáng kể vào Nga.

 

Nga vẫn là nhà cung cấp số một

 

Quan ngại trên bắt nguồn từ việc EU đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí đốt của Nga. Trong hoạt động sản xuất năng lượng nói chung và điện năng nói riêng của châu Âu, khí đốt luôn giữ một vị trí cực kỳ quan trọng. Hiện nay, EU vẫn nhập khoảng một nửa lượng khí đốt tiêu thụ, trong đó khí đốt Nga vẫn đứng hàng đầu cho dù thị phần của Nga có xu hướng giảm trong thập niên vừa qua.


 

Hệ thống đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc nối trực tiếp giữa Đức và Nga.

 

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), khí đốt Nga chỉ còn chiếm hơn 32% tổng lượng khí đốt mà EU phải mua bên ngoài biên giới liên minh, giảm so với tỷ trọng 42% năm 2002. Cùng với đó, qua việc cung cấp 27% nhu cầu than và 34% nhu cầu dầu thô cho EU, Nga luôn là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của liên minh này. Các con số đó là minh chứng rõ nét rằng năng lượng Nga luôn có “trọng lượng” trong các mối quan hệ ngoại giao song phương Nga - EU.


Mức độ phụ thuộc của các thành viên EU vào nguồn năng lượng Nga khá khác nhau. Nếu là khí đốt, Pháp chỉ nhập khẩu 15%, trong khi Áo gấp 4 lần và Ba Lan 6 lần. Khoảng 40% nhu cầu khí đốt của Đức do Nga cung cấp và trên một nửa số này chạy đường ống qua Ukraine. Theo bà Claudia Kemfert, chuyên gia năng lượng thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), Đức “quá phụ thuộc” vào nguồn khí đốt của Nga và sự phụ thuộc này càng trầm trọng hơn sau khi tuyến đường ống thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc nối trực tiếp Đức với Nga được xây dựng năm 2011. Các nước khu vực Baltic thậm chí còn nhập khẩu một khối lượng nhiều hơn nữa so với nhu cầu của mỗi nước.


Đa dạng hóa nguồn năng lượng


Theo báo chí Anh, dù vẫn phụ thuộc Nga hơn 30% nhu cầu năng lượng, song EU buộc phải hành động bằng cách phát huy nội lực trong khối hoặc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đẩy lui nguy cơ lệ thuộc quá lớn vào một nhà cung cấp, nhất là sau khi hai cuộc khủng hoảng khí đốt năm 2006 và năm 2009 giữa Nga và Ukraine đã khiến một số quốc gia lao đao vì thiếu khí đốt trong mùa đông lạnh giá.


EU đã cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những “đường ống liên kết” cho phép các nước Đông Âu có thể vận chuyển khí đốt từ Bắc xuống Nam, phá vỡ sự lệ thuộc vào các đường ống cung cấp khí đốt thời Xôviết (chạy từ Đông sang Tây). Năm 2010, Hungary đã khai trương các đường ống liên kết với Romania và Croatia. Năm 2011, Cộng hòa Czech mở đường ống thứ hai nối với Ba Lan.


Các đường ống liên kết Bắc-Nam được xây dựng nhằm giúp Trung Âu tiếp cận các nguồn khí đốt mới không phải từ Nga. Ở khu vực Baltic, các nước đang tìm cách nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) với các cảng của Ba Lan và Litva dự kiến được mở trong năm nay. Mặc dù LNG đắt hơn nhưng khả năng đa dạng hóa các nguồn cung đã tạo ra nhân tố có tính quyết định trong các cuộc đàm phán, ký kết hợp đồng với Gazprom. Ở phía Nam, một đường ống dẫn khí đốt từ Azerbaijan tới Italy dự kiến sẽ được khai trương vào năm 2019. Lưu lượng ở “hành lang phía Nam” này dự kiến gia tăng trong các năm sắp tới nhờ lượng khí đốt từ Đông Địa Trung Hải, Bắc Iraq và từ Biển Đen của Romania.


Mặc dù dự án được kỳ vọng nhất của châu Âu nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt (đường ống Nabucco dẫn khí đốt từ Azerbaijan tới châu Âu) đã đổ vỡ do thiếu khả thi về kinh tế, nhưng những cải cách vừa tầm đã cho kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, các cơ sở trữ khí đốt của EU giờ đây đã được cải tạo để dự trữ lượng khí đốt nhiều hơn. Sau một mùa đông không quá khắc nghiệt, phần lớn các nước Đông Âu vẫn được cung cấp lượng khí đốt đủ dùng từ 40- 90 ngày. Quan trọng hơn, châu Âu đã không còn quá bị phụ thuộc vào quyết định của Moskva trong việc cắt nguồn cung khí đốt qua Ukraine nữa. Nếu vào năm 2009, khoảng 80% lượng khí đốt của EU (do Nga cung cấp) đi qua Ukraine thì đến nay tỉ lệ này còn chưa đến 50% bởi đường ống “Dòng chảy phương Bắc” có thể đưa khí đốt từ Nga thẳng tới Đức qua Biển Baltic.


Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-EU diễn ra hôm 26/3 tại thủ đô Brussels, Bỉ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso nêu rõ EU cũng đã hướng tới việc đa dạng hóa nguồn năng lượng bằng cách tạo ra một chính sách năng lượng chung cho toàn liên minh.


Cũng tại hội nghị, hai bên khẳng định EU cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng sau khi Nga sáp nhập Crimea. EU hoan nghênh khả năng nhập khẩu LNG của Mỹ trong tương lai, bởi việc này sẽ đem lại lợi ích cho châu Âu và các đối tác chiến lược khác.


Tuy nhiên, theo báo chí Canada, điều đó lại thiếu tính khả thi vì rất khó để biến LNG trở thành một nguồn năng lượng chủ đạo ở châu Âu. Nguyên nhân đầu tiên là LNG được vận chuyển bằng tàu biển nên chi phí cao. Trong khi đó, với trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ, Nga luôn có khả năng bán giá thấp hơn LNG của Mỹ được xuất sang châu Âu. Vì vậy, muốn thay khí đốt của Nga bằng LNG của Mỹ, Washington hoặc các nước châu Âu cần phải cung cấp một khoản trợ cấp lớn cho các công ty xuất khẩu LNG của Mỹ để thuyết phục họ bán LNG cho châu Âu với mức giá vừa phải.


Bên cạnh đó, nhiều nước châu Âu cũng không mặn mà với việc mở cửa cho các công ty đa quốc gia khai thác tài nguyên thiên nhiên.


Không những thế, sự gắn kết giữa Nga với EU vẫn luôn được đặt ra, thậm chí ngày càng nặng nề hơn, bởi các nguồn dự trữ ở Biển Bắc đang cạn dần, khiến châu Âu có thể rơi vào tình thế phải nhập khẩu tới hơn 80% nhu cầu khí đốt.


Chuyên gia năng lượng Tim Boersna từ Viện Brookings ở Washington nhận định nhìn vào thị trường hiện nay, có thể thấy nhiều khả năng các nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ lấp đầy khoảng trống này.


Như vậy có thể nói với nguồn “vàng xanh” có một không hai trên thế giới, Nga sẽ tiếp tục được trông đợi là nguồn cung cấp mà các thành viên EU chưa thể sớm từ bỏ.

 

Hoàng Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN