Tự chủ tuyển sinh nhưng không “tự bơi”

Chiều 9/1/2014, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã tổ chức cuộc tọa đàm về vấn đề tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy giai đoạn 2014-2016. Đại diện các trường đều đánh giá, tự chủ tuyển sinh là cần thiết, tuy nhiên không nên bắt các trường “tự bơi” hoàn toàn.

Không nên riêng hoàn toàn


Còn nhớ, tại cuộc họp bàn về tuyển sinh 2013 của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hồi giữa tháng 12/2012, lãnh đạo các trường ngoài công lập đều lên tiếng đề nghị cho phép được tự tổ chức tuyển sinh riêng để thu hút được thí sinh và khẳng định tuyển sinh riêng là cách để các trường có thêm nhiều quyền, nhất là quyền liên quan đến vấn đề tuyển sinh.

 

Sau giờ thi môn Toán tại Hội đồng thi Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013. Quý Trung - TTXVN


Thế nhưng, đến kỳ tuyển sinh 2014 này, khi Bộ quyết định giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, thì xem ra chính bản thân các trường lại chưa đồng thuận. Có nhiều lý do, nhưng tựu trung là vì: Quy định về quyền tự chủ tuyển sinh của Bộ còn có nhiều điểm “mắc mớ”, làm khó cho các trường, đơn cử như quy định về việc trường nào quyết định tuyển sinh riêng thì phải “riêng” từ a-z, trong đó có cả khâu ra đề- khâu khó nhất với các trường hiện nay; hay quy định các trường thực hiện tuyển sinh riêng thì không được lấy kết quả của kỳ thi “ba chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển- PV). Vì vậy, tại cuộc tọa đàm lần này, đại diện các trường đều tập trung “lên tiếng” về việc Bộ đã “thoáng” khi cho các trường quyền tự chủ tuyển sinh, nhưng cần “thoáng” hơn trong việc quy định về phương thức tuyển sinh riêng này.


Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH và sau ĐH, Bộ GD - ĐT: Trong 3 hình thức tuyển sinh là thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển - xét tuyển, phần lớn các trường sẽ chọn phương án xét tuyển. Bởi tổ chức một kỳ thi tuyển sinh không đơn giản. “Việc Bộ yêu cầu các trường nếu tuyển sinh riêng thì phải tự thực hiện tất cả các khâu, là một sự đánh đố”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, “Bộ không nên quan niệm rằng khi các trường đã tự chủ thì Bộ sẽ không liên quan đến việc tổ chức thi. Cần xem thi “ba chung” là dịch vụ công ích để hỗ trợ các trường trong việc tự chủ tuyển sinh. Các trường có thể sử dụng một phần hoặc hoàn toàn kết quả kỳ thi của Bộ”.


Còn GS, TSKH Lâm Quang Thiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học và sau ĐH cho rằng, Bộ cần xem xét kỹ về tự chủ tuyển sinh. Việc tự chủ tổ chức kỳ thi tuyển sinh không phải trường nào cũng nên làm. Ngay với các nước phát triển như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng không phải trường nào cũng tự chủ tuyển sinh, bởi việc tự tổ chức thi tuyển sinh khá tốn kém. Tuy nhiên, theo GS, TSKH Lâm Quang Thiệp, nên chuyển từ tuyển sinh “ba chung” sang “hai chung”. GS Lâm Quang Thiệp lý giải, “ba chung” có ưu điểm lớn là tạo sự công bằng trong tuyển sinh, tuy nhiên có nhược điểm là quy định điểm sàn không đúng. Vì vậy, nên theo hình thức là “hai chung”: Thi chung, tổ chức điểm thi chung. Mặt khác, Bộ cũng nên bỏ điểm sàn theo khối ngành để các trường có thể sử dụng điểm của đề thi chung của Bộ và điểm của các trường đại học khác khi tuyển sinh. “Cũng có thể theo cách là coi kỳ thi của Bộ GD - ĐT như một kỳ thi sơ tuyển, sau đó các trường sẽ phỏng vấn để tuyển thí sinh phù hợp”.


Nên “nhấn mạnh” phương thức xét tuyển


Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học có quy mô tuyển sinh nhỏ, đơn ngành… nên gặp khó trong việc tự ra đề thi để thi tuyển, nhưng lại đủ năng lực xét tuyển. Vì vậy, Bộ nên quy định hình thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với thi tuyển hạn chế, là phương thức tuyển sinh chủ yếu. Đây cũng là phương thức tuyển sinh sẽ để giúp các trường nhanh chóng thể hiện quyền tự chủ của mình. Đồng thời, Bộ cần công bố ngay quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục Đại học. Theo đó, tất cả các thí sinh đạt được chuẩn này đều đủ điều kiện “cần” để được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục đại học. Còn điều kiện “đủ” để thí sinh được học tại một trường cụ thể thì sẽ là quyền quyết định của các trường.


Về lâu dài, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng ủng hộ đề án của Bộ trước đây về việc nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một. “Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ gửi ý kiến này tới Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, đề nghị xem xét”, ông Trần Hồng Quân khẳng định.


Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN