Truyền thông mới đòi hỏi nhà báo trẻ bản lĩnh

Tôi cũng khuyên các bạn phải sử dụng mạng xã hội, vì đây là thành tựu của nhân loại. Nhưng khi sử dụng phải có chọn lựa, phải có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp”. Nhà báo Hữu Thọ đã nói với các nhà báo trẻ như vậy tại cuộc tọa đàm “Sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam và ứng xử của các nhà báo trẻ” do Đoàn Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 18/6.

 

Mạng xã hội - con dao hai lưỡi

 

Hầu hết các ý kiến đều nhìn nhận: Truyền thông mới là xu thế tất yếu và mang lại nhiều tiện ích to lớn đối với hoạt động nghề nghiệp của nhà báo. “Mạng xã hội có nhiều tính năng như chat, email, phim, ảnh, blog, chia sẻ file... và có nhiều phương cách để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác. Mạng đổi mới hoàn toàn cách các cư dân mạng liên kết với nhau. Các mạng xã hội ngày càng có sức lan tỏa lớn”, nhà báo Trần Thanh Tuấn, Ban Biên tập Tin Thế giới (Thông tấn xã Việt Nam) nhận định.


 

Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ và bản lĩnh là điều quan trọng hàng đầu để nhà báo trẻ giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời tận dụng lợi thế từ sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có mặt trái. Đó là sự thiếu chọn lọc, thiếu định hướng. “Thông tin trên các mạng xã hội không phải nguồn chính thống, thiếu kiểm chứng, không có mục đích rõ ràng hoặc mục đích xuyên tạc, lừa đảo. Các thành viên mạng xã hội không chịu trách nhiệm về các thông tin họ tung ra”, TS Nguyễn Thành Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) cho biết.


Theo nhà báo Hữu Thọ, hiện nay, mạng xã hội như một trợ thủ cho việc lan truyền tin đồn. Tác động của việc lan truyền tin đồn rất ghê gớm. Đứng về mặt thu thập thông tin, việc thu thập thông tin trên mạng xã hội đã tước mất sự tiếp xúc trực quan, tiếp xúc cá nhân của người làm báo. Những “chi tiết kim cương” trong bài báo lại thường nảy sinh từ những quan sát trực quan, từ những sự tiếp xúc trực tiếp. Thiếu sự tiếp xúc trực quan đó, những bài báo mất đi sự sinh động.

 

Đạo đức, kỹ năng người làm báo bị “thử thách”


Hiện nay, có thực tế: Bên cạnh những nhà báo trẻ năng động, nhạy bén ứng dụng phương tiện hiện đại trong tác nghiệp, vẫn có những người làm báo trẻ lạm dụng các phương tiện thông tin hiện đại. Theo Nguyễn Việt Đức (Báo Điện tử Vietnam Plus - Thông tấn xã Việt Nam), điều này cộng với sự buông lỏng quản lý, định hướng thông tin của tòa soạn đã sinh ra những “nhà báo bàn giấy” - thụ động trong thu thập thông tin, thiếu hụt kiến thức nền, lập trường chính trị không vững, xa rời thực tế. “Với một chiếc máy tính nối mạng, chiếc điện thoại thông minh, họ cho rằng như vậy là đủ, không cần đi đâu cho mệt. Họ xin thông cáo báo chí, cắt, dán rồi gửi cho bộ phận biên tập. Còn những biên tập viên quốc tế, có người thay vì luyện trình độ dịch thuật, họ đã phụ thuộc hoàn toàn vào công cụ dịch thuật tự động trên mạng”. Điều này, theo Nguyễn Việt Đức, cần phải gióng lên hồi chuông báo động.


Trước tác động của các phương tiện truyền thông mới, nhà báo trẻ cần phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng. Theo nhà báo Phan Thị Hồng Trang (báo Nhân dân), nhà báo trẻ cần am hiểu công nghệ, biết tận dụng sức mạnh của những phương tiện truyền thông mới để tạo ra những sản phẩm báo chí có giá trị đóng góp cho đời sống xã hội”. Còn với nhà báo Bùi Thu Hà (Tạp chí Cộng sản), các phóng viên, biên tập viên cần cẩn trọng, không nên vội vàng khai thác thông tin trên mạng mà chỉ nên xem đó là nguồn tham khảo cho bài viết của mình.


Nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh: việc thu thập thông tin là điều hết sức quan trọng đối với người làm báo. Mạng xã hội là một kênh. Tuy nhiên, nhà báo, đặc biệt là những nhà báo trẻ cần phải hết sức lưu ý: Thông tin là khách quan nhưng thông tin được công bố là sự kết hợp giữa khách quan và chủ quan. Khi “nhập” thông tin nào, không đơn thuần là nhập thông tin khách quan.


Đồng quan điểm này, theo ThS Nguyễn Minh Huế (Ban Tuyên giáo Trung ương), mỗi người cầm bút cần cẩn trọng và kỹ càng khi khai thác thông tin từ mạng xã hội, Trong việc khai thác các nguồn tin trên mạng xã hội, TS Nguyễn Thành Lợi cũng cho rằng: “Các nhà báo cần thận trọng khi đề cập những nội dung liên quan đến các thông tin khai thác được khi tác nghiệp; phải sàng lọc những thông tin; phải biết thẩm định nguồn thông tin”. Nhà báo trẻ có thể sử dụng các kỹ năng như: kiểm tra thông tin về người hoặc cơ quan đăng tài liệu đó: tên tác giả, cơ quan có địa chỉ cụ thể? Trang web đó có email, số điện thoại liên lạc hoặc người chịu trách nhiệm nội dung không? Cơ quan nào phụ trách website đó? Có thể kiểm tra đường dẫn của một website để kiểm tra mức độ chính xác của tài liệu...


Trong bối cảnh truyền thông mới đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và chi phối mạnh đến báo chí truyền thống như hiện nay, điều tối quan trọng, theo nhà báo Hữu Thọ là xây dựng và củng cố lòng tin, niềm tin với người làm báo. “Chúng ta phải sử dụng mạng xã hội, vì đây là thành tựu của nhân loại. Tôi cũng khuyên các bạn dùng mạng, nhưng khi sử dụng phải có chọn lựa, phải có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp. Và bản lĩnh chính trị chỉ có thể sinh ra trong những trải nghiệm xã hội của mỗi con người”, nhà báo Hữu Thọ nhắn nhủ.


Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN