Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng nợ công

Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề lớn liên quan đến nợ công của nước này. Đây là nhận định của ngân hàng UBS của Thụy Sỹ. Theo đó, các tỉnh của Trung Quốc đang bị quá tải các khoản vay và có thể sẽ gây ra rủi ro đối với chính phủ.

Nợ công của Trung Quốc có thể tăng lên 55% GDP. Ảnh: Internet


Theo UBS, nợ công của Trung Quốc tại thời điểm cuối năm 2012 tương đương 15% GDP. Tuy nhiên nếu tính cả các khoản vay của các địa phương con số này có thể tăng lên đến 55% GDP và đứng đầu về nợ công trong số các nước đang phát triển.


Chính phủ Trung Quốc đang phải gánh một món nợ nhiều tỷ USD và sẽ buộc phải trợ giúp các địa phương trong trường hợp mất khả năng thanh toán. Kịch bản này là hiện thực bởi hoạt động tài chính của chính quyền các địa phương vốn không minh bạch và mối quan hệ với giới kinh doanh tương đối mờ ám. Các chuyên gia lo ngại rằng đối tượng tiếp nhận các nguồn đầu tư nhà nước trên thực tế lại là những "nhân vật" không đáng tin cậy và không bị kiểm soát.


Bên cạnh đó, tại Trung Quốc ngày càng có nhiều nguồn tín dụng được cấp cho các công ty, sàn giao dịch và các cấu trúc kinh tế ngầm. Điều này dẫn tới việc tạo nên một hệ thống ngân hàng mờ ám. Cách đây một tháng, Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch đã hạ một trong các chỉ số tín nhiệm nợ tài chính quan trọng của Trung Quốc do lo ngại hoạt động của hệ thống ngân hàng này. Tất cả các vấn đề nêu trên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.


Sự bùng nổ đầu tư của Trung Quốc cũng có những ưu điểm. Năm 2008 khi các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu gánh chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì Bắc Kinh đã đưa ra các khoản tín dụng lớn, tạo nên sự bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng và các dự án đầu tư. Không giống một số nền kinh tế khác, tại Trung Quốc tính minh bạch cơ bản được duy trì, khiến nước này nhanh chóng "nhảy qua" giai đoạn khủng hoảng mà không chịu nhiều thiệt hại.


Tuy nhiên, các nguồn đầu tư công của Trung Quốc đang mất dần hiệu quả. Tăng trưởng GDP từ mức 10% trước đây đã giảm xuống còn 7 - 8%. Các chuyên gia phương Tây cho rằng để cứu nền kinh tế, Trung Quốc nên cổ phần hóa khu vực kinh tế nhà nước. Ngoài ra, Trung Quốc cũng được khuyến nghị hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng nhà nước, các hệ thống cung ứng tín dụng và các xí nghiệp công nghiệp nổi bật trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's cũng cảnh báo việc lạm dụng các nguồn lực nhà nước có thể sẽ gây phương hại đến tăng trưởng trong dài hạn.


Giáo sư Valya Gelbras từ Viện các nước Á, Phi thuộc Đại học tổng hợp quốc gia Mátxcơva nhấn mạnh, một nửa thu nhập của Trung Quốc hiện tập trung vào ngân sách trung ương. Chính phủ Trung Quốc cho rằng khi nắm giữ một nguồn lực khổng lồ như vậy, Trung ương sẽ giúp được các địa phương. Tuy nhiên, việc này lại dẫn tới các cơ quan quyền lực địa phương thường xuyên thiếu tài chính. Trong khi các địa phương phải giải quyết các vấn đề xã hội nội tại thì họ buộc phải tìm đến các khoản vay lớn. Vị chuyên gia này cũng cho biết Bắc Kinh đang áp dụng các biện pháp để thay đổi tình hình hiện nay. Cụ thể, năm 2011 Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các tỉnh được vay nợ sau khi quy định chặt chẽ số tiền được vay và thời hạn thanh toán. Tuy vậy biện pháp này chưa đem lại hiệu quả tích cực.


Thêm vào đó, Trung Quốc trong nhiều năm đầu tư ồ ạt vào vốn cơ bản, với khối lượng tương đương 50% tổng GDP. Do đó trong suốt một thập niên trở lại đây, cán cân ngân sách của Trung Quốc chỉ có 1 - 2 năm đạt được thặng dư. Hiệu quả của các nguồn đầu tư công là vấn đề đau đầu của nền kinh tế toàn cầu và chỉ có một lối thoát duy nhất là tìm kiếm biện pháp hạ khối lượng này xuống. Đối với Trung Quốc, việc cần làm hiện nay là xây dựng lại chính sách kinh tế và xã hội. Trung Quốc bắt đầu nhận thức được vấn đề này song chưa tìm ra biện pháp thực tế để vượt qua.


Cao Cường (Theo “Độc lập”)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN