Trẻ em cầm súng ở Myanmar - Kỳ cuối:

Xác minh độ tuổi là vấn đề nan giải đối với các tổ chức vũ trang ở Myanmar bởi không phải tất cả trẻ em đều có giấy khai sinh hay các giấy tờ chính thức đề ngày tháng năm sinh, nhất là những đứa trẻ ở khu vực nông thôn. Những em thiếu các giấy tờ này dễ dàng được tuyển mộ vào các nhóm vũ trang. Thậm chí, những em có giấy tờ xác minh độ tuổi thì rất có thể chúng cũng bị làm giả.

Nhiều trẻ em từng phục vụ trong các nhóm vũ trang cần giúp đỡ để tái hòa nhập với xã hội.


Chính phủ Myanmar có hướng giải quyết vấn đề này bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lấy giấy xác minh độ tuổi và gia tăng công nghệ để loại giấy tờ này khó bị giả mạo hơn. Các chuyên gia cho rằng chính phủ cũng cần thiết lập một cơ sở dữ liệu trung tâm chứa thông tin liên quan đến mọi tân binh của Tatmadaw và Lực lượng Biên phòng, dựa vào giấy khai sinh hay các giấy tờ nhận dạng chính thức khác. Chính quyền cũng cần lưu giữ thông tin về tên tuổi và cấp bậc của sĩ quan tuyển quân như một biện pháp phòng ngừa, để có thể quy trách nhiệm cho họ về bất cứ hoạt động tuyển mộ trẻ em nào nếu cần thiết.


Hiện nay vấn đề cấp bách là chính phủ phải đào tạo kỹ lưỡng đội ngũ tham gia các quy trình tuyển quân và đảm bảo họ nắm vững các thủ tục xác minh độ tuổi, quy định cấm tuyển mộ trẻ em và các biện pháp kỷ luật cũng như khởi tố hình sự sẽ được áp dụng nếu họ không tuân thủ những điều luật này. Chính phủ cũng cần điều tra mọi cáo buộc có cơ sở về việc sử dụng trẻ em trong Tatmadaw và Lực lượng Biên phòng, đồng thời đảm bảo những kẻ vi phạm sẽ bị truy tố.

Binh sĩ trẻ em ở Myanmar.


Để làm được điều này nhất thiết phải cải tổ toàn diện Tatmadaw, nâng lương, cải thiện điều kiện sống và chống tham nhũng. Hiện tỷ lệ đào ngũ khỏi Tatmadaw đang ở mức cao, gây áp lực lên các mục tiêu tuyển quân và việc chiêu mộ trẻ em diễn ra phổ biến hơn như một là hệ lụy tất yếu.


Việc giải ngũ cho trẻ em không thể chỉ là một phần của tiến trình hòa bình mà còn phải gắn với quá trình cải tổ và tái cơ cấu quân đội. Myanmar đã bắt đầu tăng cường hợp tác quân sự với phương Tây. Sau chuyến thăm đến London hồi tháng 6/2013 của Tổng thống Thein Sein, Anh đã đồng ý cử một tùy viên quốc phòng đến Yangon và cũng mở các khóa đào tạo cho Tatmadaw về luật xung đột vũ trang và trách nhiệm giải trình của lực lượng vũ trang trong các nền dân chủ. Dự kiến Mỹ cũng sẽ tiếp bước Anh, sau khi thông báo sẽ khởi động tiến trình hợp tác quân sự với Myanmar vào cuối tháng 8/2013, chủ yếu tập trung vào các vấn đề nhân đạo và chuyên nghiệp hóa đội ngũ sĩ quan.


Bên cạnh đó, Myanmar cũng cần chú trọng hơn đến công tác tái hòa nhập xã hội cho binh lính trẻ em, là đối tượng thường bị cô lập với xã hội, không được tiếp xúc với các giá trị văn hóa và tinh thần bình thường. Bởi vậy, làm tốt công tác tái hòa nhập xã hội đóng vai trò quyết định để giúp các “cựu binh” vị thành niên tái thiết các mối quan hệ xã hội và tham gia những sinh hoạt hữu ích đời thường. Điều này không đơn thuần chỉ là đưa các em trở về nhà, mà phải cố gắng cho các em hòa nhập với cuộc sống của gia đình và cộng đồng, thay vì đưa các em vào các trại phục hồi chuyên biệt nơi các em có thể bị xa lánh và hắt hủi, mặc dù những trung tâm như vậy có thể phát huy vai trò trong ngắn hạn và trong quá trình tìm kiếm thân nhân của các em.


Để có cách tiếp cận thống nhất và hiệu quả với công tác tái hòa nhập xã hội cho binh lính trẻ em, cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc và Chính phủ Myanmar cần phải phối hợp với nhau. Nay Pyi Taw cần tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để xây dựng một quy trình tuyển quân chặt chẽ bao gồm các biện pháp xác minh độ tuổi và giám sát độc lập Tatmadaw, Lực lượng Biên phòng và các lực lượng an ninh khác ở Myanmar. Sự tham gia của LHQ sẽ đặc biệt hữu ích trong việc đào tạo và phát triển các kỹ thuật tìm kiếm và đoàn tụ gia đình.


Với mức độ cải tổ của Tatmadaw như hiện nay với những thỏa thuận ngừng bắn gần đây với 11 nhóm sắc tộc vũ trang khác nhau, lực lượng vũ trang Myanmar chưa bao giờ đứng trước một thời cơ tốt đến vậy để góp phần thực hiện các cải cách và chấm dứt việc chiêu mộ trẻ em trong Tatmadaw nói riêng cũng như việc sử dụng binh sĩ trẻ em ở Myanmar nói chung.


Huy Lê
(Mời xem trọn các kỳ trên trang web: baotintuc.vn)

Trẻ em cầm súng ở Myanmar
Trẻ em cầm súng ở Myanmar

Hai năm qua, chính phủ Myanmar đã thực hiện một loạt cải cách và sẵn sàng đưa ra những cam kết mới về lính trẻ em ký tháng 7/2012 với Liên hợp quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN