Tìm cơ chế đặc thù cho di tích Đường Lâm

Trước sự việc một số hộ dân ký vào đơn đề nghị trả lại danh hiệu di tích quốc gia Đường Lâm, sáng 21/5, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng Đoàn công tác của thành phố đã làm việc với chính quyền, nhân dân xã Đường Lâm và UBND thị xã Sơn Tây.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, nhấn mạnh: Các cấp, ban, ngành Hà Nội phải luôn xem di tích là của nhân dân và việc quản lý, bảo vệ di tích cũng phải do dân và vì dân. Tới đây cần tìm cơ chế quản lý phù hợp, để việc thu chi được chủ động, minh bạch, rõ ràng, cũng như đảm bảo các quyền lợi thu được từ di tích cho người dân sở tại.


Hai vấn đề chính được “mổ xẻ” là hai dự án “bảo tồn khẩn cấp” và “giãn dân”, bởi người dân quan tâm nhất hiện nay là nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở đây đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sửa chữa và từ khi được công nhận là di tích quốc gia đến nay đã 7 năm, cuộc sống người dân bị đảo lộn do không được cơi nới, sửa chữa, xây mới nhà cửa, dẫn tới bức bách trong sinh hoạt của nhân dân sở tại.


Chị Giang Tú Anh, người dân xã Đường Lâm cho biết, thanh niên trong làng lớn lên cưới vợ, gả chồng, sinh con nhưng vẫn ở chung trong một căn nhà như xưa, nên quá chật chội; trong lúc hộ nào xây dựng thì trái luật. Vì vậy, đề nghị cần sớm giải quyết chế độ tái định cư.


Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban quản lý di tích Đường Lâm đã xin lỗi nhân dân, đồng thời lý giải rằng, lẽ ra Ban quản lý cần tổ chức các cuộc hội thảo và lấy ý kiến của cơ quan quản lý, nhà khoa học để tìm giải pháp sớm sẽ không xảy ra tình trạng như hiện nay.


Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, thời gian qua Hà Nội cũng đã có rất nhiều chính sách cho Đường Lâm nhưng vẫn thiếu cụ thể và chi tiết. Vì vậy, tới đây cần đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch tổng thể, làm cơ sở phê duyệt dự án thành phần; trong đó ưu tiên cho 2 dự án: “Bảo tồn khẩn cấp” và “Giãn dân”. Bên cạnh đó, vì đây là một trong 5 làng cổ đặc biệt trên thế giới và duy nhất ở nước ta nên Hà Nội cần tính đến cơ chế đặc thù.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, trong tháng 6/2013 thành phố sẽ hoàn thành phê duyệt quy hoạch; trong đó chú trọng tiếp thu có chọn lọc để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, từng giai đoạn, không thể một lúc đầu tư hết cho Đường Lâm, trong khi thành phố có 5.000 di tích với 580 di tích xuống cấp nghiêm trọng đang cần sửa chữa khẩn cấp.


Ông Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Thăng Long đưa ra giải pháp cần bảo vệ nghiêm ngặt các ngôi nhà cổ; trong đó 37 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại 200 - 400 năm, Nhà nước cần hỗ trợ 100% kinh phí; 74 nhà niên đại trên 100 năm cần hỗ trợ 50%, còn lại xã hội hóa và nhân dân đóng góp. Bên cạnh đó, cần phân chia các vùng, có nơi thì cho cơi nới, nơi thì xây dựng 2 tầng - 3 tầng mái ngói theo thiết kế và quy hoạch...


Kết luận tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị, trước tiên cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, cũng như tìm ra sự đặc thù của di tích Đường Lâm. Từ đó, mới có thể đầu tư, áp dụng cơ chế phù hợp và tìm ra các giải pháp sát thực, bởi đây là “di tích sống” có sự riêng biệt rất lớn, gắn với cộng đồng làng xã. Tuy nhiên, việc đầu tư phải đặt trong bối cảnh tổng thể chung, vì thành phố đang còn rất nhiều di tích quan trọng khác cũng đang cấp thiết đầu tư, mà nguồn ngân sách thì không lớn. Ví dụ cụ thể, địa phương dự trù kinh phí trong vài năm tới cần đầu tư 500 tỷ đồng cho Đường Lâm là không khả thi vì Hà Nội còn hàng trăm, hàng ngàn di tích cần đầu tư thì con số này là quá "khổng lồ".


Bí thư Thành ủy chỉ rõ: Di tích là tài sản của nhân dân, của quốc gia, người dân là người sử dụng hàng ngày nên hơn ai hết người dân phải có ý thức tự bảo vệ, gìn giữ. Tuy nhiên, không vì thế mà phó mặc cho nhân dân, để người dân cam chịu vì họ còn thiếu kiến thức, thiếu kinh phí nên Nhà nước cũng cần hỗ trợ và đặc biệt là hướng dẫn họ cách làm. Áp dụng các mô hình học tập được từ thế giới và trong nước nhưng phải đảm bảo giữ được hồn cốt riêng biệt của Đường Lâm.


Ông Phạm Quang Nghị cho rằng để xảy ra sự chậm trễ trong bảo tồn có phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tới đây đề nghị các cấp cần đối thoại nhiều chiều, lắng nghe những bức xúc, cho dù là số ít của người dân, để kịp thời giải quyết những ý kiến, kiến nghị chính đáng. Đặc biệt, cần tăng cường phân cấp quản lý, phát huy vai trò của người dân và chính quyền địa phương. Đồng chí cũng yêu cầu, không vì quá nặng mục tiêu chạy theo danh hiệu đề nghị Đường Lâm trở thành di sản thế giới mà thực hiện các nhiệm vụ không đạt như mong muốn, kế hoạch đề ra, vì rằng danh hiệu càng cao thì yêu cầu càng khắt khe, ngặt nghèo.


Văn Cảnh - Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN