Phát triển thủy lợi ở Tây Nguyên

Tiếp tục đầu tư công trình thủy lợi

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng nhanh chóng triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển thủy lợi toàn vùng từ nay đến năm 2020.


 

Lễ cúng Bến nước là một sinh hoạt cộng đồng đậm chất văn hóa của người Tây Nguyên cầu cho nước sạch, nước trong, mang lại sức khỏe cho buôn làng. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

 

Theo kế hoạch, hệ thống thủy lợi trên địa bàn Tây Nguyên được phân thành bốn vùng theo lưu vực sông và phụ cận. Đồng thời, tận dụng triệt để các nguồn nước tự nhiên trên các triền sông, suối, nguồn sinh thủy bằng các giải pháp công trình thích hợp. Các tỉnh Tây Nguyên xác định ưu tiên phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước cho sinh hoạt góp phần xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ tình trạng phá rừng làm nương rẫy, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Các tỉnh Tây Nguyên cần coi trọng các công trình thủy lợi nhỏ hiện có, ưu tiên đầu tư theo chiều sâu bằng các giải pháp cải tạo, mở rộng, nâng cấp các công trình tạm đã có để phát huy tối đa năng lực thiết kế. Ở những diện tích không chủ động được nước tưới, cần chuyển sang cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phòng chống, giảm nhẹ tác động của thiên tai. Xác định rõ các công trình thủy lợi cần đầu tư xây dựng mới trên cơ sở đúng hướng, có hiệu quả; trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ định canh định cư, các xã đặc biệt khó khăn.


Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, những năm tới các tỉnh Tây Nguyên tập trung nâng cấp 756 công trình thủy lợi, giải quyết đủ nguồn nước tưới thêm cho trên 81.004 ha cây trồng các loại. Đồng thời xây dựng mới 1.614 công trình, đảm bảo tưới cho 308.357 ha cây trồng các loại. Đối với nhưng diện tích chưa được tưới chủ động nằm ở những vùng đồi núi, xa nguồn nước khuyến nghị chuyển sang trồng các loại cây khác có khả năng chịu hạn để đảm bảo sản xuất ổn định. Theo kế hoạch, các tỉnh nằm trong khu vực vùng thượng lưu sông Sê San và phụ cận sẽ đầu tư nâng cấp 202 công trình, xây dựng mới 198 công trình thủy lợi để đảm bảo tưới ăn chắc 39.101 ha cây trồng các loại. Vùng thượng lưu Sông Ba và phụ cận sẽ đầu tư tu bổ các công trình hiện có và xây dựng mới 377 công trình thủy lợi vừa và nhỏ đảm bảo tưới cho 128.882 ha. Vùng thượng lưu vực sông Sêrêpốk và phụ cận đầu tư xây dựng mới 554 công trình và nâng cấp 91 công trình đảm bảo tưới cho 243.469 ha các loại cây trồng có nhu cầu tưới nước. Vùng thượng lưu vực sông Đồng Nai đầu tư xây dựng mới 531 công trình và nâng cấp 211 công trình để tưới ổn định cho 243.400 ha cây trồng…


Với quy mô kể trên, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 79.000 tỷ đồng. Trong đó vốn từ ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn ODA) đáp ứng được khoảng 80-85%, còn lại là vốn tín dụng từ 2-3%, vốn từ khu vực doanh nghiệp, dân cư khoảng 5 đến 7%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 5 đến 10%.


Các tỉnh Tây Nguyên cũng thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, có biện pháp canh tác hợp lý để giảm thiểu quá trình xói mòn đất. Tăng cường công tác trồng rừng, giáo dục, tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng để người dân hiểu, thực hiện. Gắn quy hoạch thủy lợi với quy hoạch lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ, lồng ghép chương trình thủy lợi với các chương trình khác. Tiếp tục hoàn chỉnh, xây dựng cơ chế, chính sách, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào xây dựng, quản lý, khai thác công thủy lợi, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý thủy lợi, nhất là các tổ chức hợp tác xã dùng nước tại các thôn, buôn, bon, làng để khai thác công trình có hiệu quả, bền vững phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

 

Q.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN