Tiến Minh thăng hoa ở tuổi 30

Nói đến cầu lông Việt Nam, không thể không nhắc tên Nguyễn Tiến Minh. Anh xứng đáng là một hiện tượng, bởi ngoài việc luôn là số 1 ở đấu trường trong nước, anh còn làm rạng danh thể thao Việt Nam với những chiến tích ở tầm thế giới.

 

Tiến Minh là “của hiếm” của thể thao Việt Nam.

 

Những ngày đầu tháng 8 này có lẽ là quãng thời gian ngọt ngào nhất trong sự nghiệp của Tiến Minh kể từ khi anh khởi nghiệp đến nay. Sau hơn 10 năm thi đấu chuyên nghiệp, những nỗ lực bền bỉ của tay vợt người TP Hồ Chí Minh đã được đền đáp bằng kỳ tích: Giành Huy chương Đồng tại giải vô địch cầu lông thế giới 2013. Khoảnh khắc Tiến Minh đứng bên cạnh Lin Dan (Trung Quốc) trên bục nhận huy chương đã đánh dấu sự thăng hoa của tay vợt này, ở tuổi 30.


“Bây giờ và về sau, dù có xếp hạng bao nhiêu thế giới đi chăng nữa, tôi cũng không quên tấm HCĐ thế giới quý hơn vàng này”, Tiến Minh chia sẻ sau khi trở về từ giải BWF World Championships 2013, được tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc).


Tại giải đấu trên, phải thừa nhận rằng Tiến Minh đã gặp may mắn khi được xếp vào nhánh đấu thuận lợi, không phải chạm trán với các đối thủ sừng sỏ cho tới vòng tứ kết. Tuy nhiên, như khẳng định của Tiến Minh, may mắn này không phải… từ trên trời rơi xuống, mà nó xuất phát từ việc anh đã giành ngôi vô địch giải Mỹ mở rộng trong tháng 7, giúp anh cải thiện vị trí từ thứ 9 lên thứ 7 trong bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF).


Điều quan trọng hơn, tâm lý của Tiến Minh ở giải đấu này rất ổn định. Anh luôn tự tin trước mọi đối thủ, kể cả khi đó là Lin Dan - tay vợt cầu lông được đánh giá là vĩ đại nhất mọi thời đại. Cải thiện được điểm yếu về tâm lý, Tiến Minh đã thể hiện được hết khả năng đánh cầu thông minh, dẻo dai của mình. Hình ảnh Tiến Minh nằm xuống sân và giơ hai tay lên ăn mừng chiến thắng trước Jan O Jorgensen (Đan Mạch) tại vòng tứ kết cũng cho thấy sự bùng nổ của tay vợt này.


Dù không thể gây bất ngờ trước “Super Dan” tại bán kết, do chênh lệch đẳng cấp quá rõ ràng, nhưng tấm HCĐ thế giới đã là một chiến tích lịch sử trong sự nghiệp của Tiến Minh, cũng như của cầu lông Việt Nam.


Hiện tại, Tiến Minh đang tham dự giải India Badminton League tại Ấn Độ. Tại giải, anh khoác áo CLB Pune Pistons, sau khi đội này đã bỏ ra 44.000 USD trong buổi đấu giá để có được Tiến Minh. Ở trận đầu tiên ngày 15/8, anh đã thua tay vợt Sai Praneeth hạng 37 thế giới. Ngày 17/8, Tiến Minh bước vào trận đấu tiếp theo của giải.

Sinh ngày 12/2/1983, Tiến Minh là hình mẫu về một vận động viên “tự thân vận động” để vươn lên đến đẳng cấp thế giới. Thiếu sự đào tạo bài bản từ nhỏ, Tiến Minh luôn tự tìm cho mình những người thầy và những giáo án riêng, để cùng với năng khiếu bẩm sinh dần trở thành một tay vợt hoàn toàn khác biệt so với các VĐV cầu lông khác tại Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều bộ môn thể thao tại Việt Nam, trong đó có cầu lông, vẫn còn thiếu sự đầu tư một cách xứng đáng, Tiến Minh luôn tự động viên, an ủi mình để vượt qua những khó khăn. Hình ảnh Tiến Minh “đơn đao phó hội” ở nhiều giải đấu lớn quốc tế đã trở nên quen thuộc, do những hạn chế về kinh phí của bộ môn này. Ngay như tại giải BWF World Championships 2013, cũng chỉ có Phó chủ tịch LĐCL TP Hồ Chí Minh, Huỳnh Ngọc Liên và HLV Nguyễn Anh Hoàng đi theo hỗ trợ Tiến Minh, trong khi Lee Chong Wei (Malaysia) được tháp tùng bởi 30 người (HLV, bác sỹ, nhân viên vật lý trị liệu, nhân viên dinh dưỡng, phóng viên…).


Một thiệt thòi lớn nữa của Tiến Minh là về mức lương. Tuy nhiều năm qua nằm trong tốp 20 thế giới, nhưng Tiến Minh vẫn chỉ nhận được 7 triệu đồng/tháng. Chỉ đến khi giành HCĐ thế giới, anh mới được nâng lương lên mức 15 triệu đồng/tháng theo quy định của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh, nhưng mức lương mới cũng chỉ tồn tại trong thời hạn 1 năm. Nếu không có sự tài trợ của một số đơn vị, tổ chức và nếu không có những khoản tiền thưởng từ thành tích, e rằng Tiến Minh không thể tham dự các giải đấu lớn quốc tế, qua đó duy trì thứ hạng cao trên bảng xếp hạng BWF và mang về vinh quang cho Tổ quốc.


Theo chia sẻ của Tiến Minh, anh chắc chắn sẽ giã từ thi đấu vào năm 2016, khi anh 33 tuổi. Từ nay tới thời điểm đó, anh sẽ tạm gác chuyện lập gia đình để phấn đấu giành thành tích cao tại Asiad 2014, Olympic 2016 và đặc biệt là hướng đến tấm HCV SEA Games. Mục tiêu cuối cùng này là không hề đơn giản đối với Tiến Minh, bởi Lee Chong Wei vẫn luôn là một tượng đài (hiện dẫn đầu bảng xếp hạng BWF), trong khi Boonsak Ponsana (Thái Lan, số 4 thế giới) cũng đang ngày một tiến bộ.


Cho dù thế nào, khoảng trống mà Tiến Minh để lại sau khi giải nghệ cũng sẽ vô cùng lớn đối với cầu lông Việt Nam. Nếu vẫn với cách thức đầu tư như hiện nay, sẽ phải mất nhiều năm nữa cầu lông Việt Nam mới có thể có một tay vợt lọt vào tốp 100 thế giới, chứ đừng nói chuyện tốp 5 được như Tiến Minh.

 

Giành HCĐ thế giới, Tiến Minh đã nhảy 2 bậc để trở lại tốp 5 trong bảng xếp hạng BWF vừa được công bố ngày 15/8. Đây là lần thứ hai Tiến Minh có mặt trong tốp 5 thế giới, kể từ lần đầu tiên vào ngày 2/12/2010. Đây cũng là thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp của Tiến Minh.

 

Bảo An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN