“Thỏ Ngọc” Trung Quốc lên Mặt trăng

Sau hành trình 13 ngày, xe tự hành mang tên “Thỏ Ngọc” của Trung Quốc đã tách tàu vũ trụ và bắt đầu lăn bánh trên Mặt trăng. Đây là lần đầu tiên trong gần bốn thập kỷ, thế giới chứng kiến một “cú hạ cánh” thành công xuống Mặt trăng, đánh dấu một bước tiến lớn trong chương trình vũ trụ đầy tham vọng của Trung Quốc.


Hạ cánh an toàn


Xe tự hành Thỏ Ngọc tách tàu Hằng Nga 3 lúc 3 giờ 35 ngày 15/12 (giờ Việt Nam), chỉ vài giờ sau khi tàu Hằng Nga 3 đáp xuống bề mặt Mặt trăng một cách an toàn. Quá trình di chuyển của Thỏ Ngọc được máy quay đặt trên Hằng Nga 3 ghi lại và truyền hình ảnh về Trái đất. Cuối ngày, cả xe tự hành và tàu vũ trụ chụp ảnh lẫn nhau và bắt đầu các hoạt động nghiên cứu riêng rẽ.

 

Xe tự hành Thỏ Ngọc tách khỏi tàu Hằng Nga 3 ngày 15/12.THX


Khu vực mà tàu Hằng Nga 3 đáp xuống rộng 400 km2 được gọi là Sinus Iridum, từ trong tiếng Latinh nghĩa là Vịnh Cầu vồng. Trước khi đáp xuống, con tàu đã giảm tốc độ và ở trên không khoảng 20 giây, dùng cảm biến và hình ảnh 3D để xác định khu vực hạ cánh. Các thiết bị đẩy sau đó được triển khai ở độ cao 100 mét so với bề mặt Mặt trăng để giúp tàu hạ xuống đúng vị trí. Quá trình hạ xuống mất khoảng 12 phút. Bốn phút sau đó, tàu Hằng Nga 3 “xòe” các tấm mặt trời để cung cấp năng lượng cho con tàu và xe tự hành.


Quá trình đáp xuống Mặt trăng được coi là công đoạn khó khăn nhất trong cả sứ mệnh. Theo số liệu, có 129 cuộc thăm dò Mặt trăng trước Hằng Nga 3, nhưng chỉ một nửa là thành công. Trong số đó, Mỹ và Liên Xô hoàn thành 13 lần hạ cánh an toàn.


Xe Thỏ Ngọc sẽ dành 3 tháng để khám phá bề mặt Mặt trăng và tìm kiếm tài nguyên. Thỏ Ngọc có thể leo lên đường dốc 30 độ và đi với vận tốc 200 mét/giờ. Còn tàu Hằng Nga 3 sẽ ở lại Mặt trăng trong một năm. Trước đó, con tàu này được phóng từ trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở Tứ Xuyên, miền nam Trung Quốc ngày 2/12.


“Bước nhảy lớn”


Với thành công trên, Trung Quốc là nước thứ ba đưa được xe tự hành lên Mặt trăng sau Mỹ và Liên Xô cũ, trong một sứ mệnh được coi là một biểu tượng tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.


Dư luận Trung Quốc tỏ ra hân hoan với thành công mới. Tờ Bưu điện Buổi sáng Chủ nhật của Hong Kong sáng 15/12 đã giật tít “Một bước nhảy lớn cho Trung Quốc”. Tân Hoa Xã có một bài xã luận trong đó viết rằng hành trình lên Mặt trăng “một lần nữa thắp sáng Giấc mơ Trung Quốc”. Kênh truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng phát một phóng sự dài về sứ mệnh của Hằng Nga 3 và tham vọng chinh phục vũ trụ của nước này.


Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển chương trình vũ trụ từ khi đưa phi hành gia đầu tiên vào không gian năm 2003. Năm 2012, nước này đã 18 lần phóng tàu vũ trụ. Sứ mệnh của Hằng Nga 3 là giai đoạn thứ hai trong chương trình thăm dò Mặt trăng của Trung Quốc.


Trung Quốc định thành lập một trạm vũ trụ vĩnh viễn trên Mặt trăng vào năm 2020, đặt tiền đề cho tham vọng đưa người lên hành tinh này. Mặt trăng được cho là có nhiều urani, titan và các khoáng vật khác; và tiềm năng tài nguyên là lý do chủ chốt đằng sau các chương trình thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN