Thị trường cà phê khởi sắc

Trái ngược với không khí ảm đạm của năm 2013, thị trường cà phê Việt Nam đang có những ngày tháng giao dịch sôi động, góp phần làm tan “bóng mây” u ám bủa vây người nông dân và doanh nghiệp kinh doanh trong suốt thời gian qua.


Xuất khẩu cải thiện


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 3, Việt Nam đã xuất khẩu 274.000 tấn cà phê, đạt 558 triệu USD. Như vậy, tính gộp 3 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xuất khẩu hơn 601.000 tấn cà phê, tương đương gần 1,2 tỷ USD, tăng gần 25% về khối lượng và 14% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam khi chiếm hơn 25% tổng giá trị cà phê xuất khẩu.

 

Chế biến cà phê nhân xuất khẩu tại Công ty cà phê An Giang (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Ảnh: Hồng Kỳ-TTXVN


“Xuất khẩu tăng góp phần đẩy giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt tăng từ 200 - 300 đồng/ kg, lên mức 39.200 - 40.000 đồng/kg. Để duy trì được mức giá này hoặc cao hơn, theo tôi, các doanh nghiệp cần tiếp tục liên kết chặt chẽ với nhau hơn nữa trong việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cà phê”, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết.


Nhận định về thị trường cà phê trong năm 2014, theo ông Vinh, nguồn cung hạn chế sẽ tiếp tục đẩy nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Theo đó, thời tiết khô hạn sẽ là yếu tố gây bất lợi với cây cà phê của Brazil, nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê. Trong khi đó, nhiều nước có thị phần xuất khẩu cà phê lớn bắt đầu hạn chế bán ra nên giá sẽ tăng cao. Dự báo, giá cà phê xuất khẩu sẽ ổn định ở ngưỡng 1.800 USD/tấn. Riêng Việt Nam, nơi cung ứng tới 60% lượng cà phê robusta cho thị trường thế giới, mưa rét thất thường đã ảnh hưởng lớn đến cây cà phê. Chính vì vậy, dự kiến sản lượng cà phê năm 2014 có khả năng sẽ giảm từ 10 - 15%.


Chưa hết khó khăn


Giá cà phê tăng, xuất khẩu khởi sắc nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khá thận trọng khi dự báo về giá và sức tiêu thụ của thị trường trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, ngành cà phê đang trong giai đoạn rất khó khăn khi xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và phần lớn diện tích cà phê cần gấp rút tái canh nhưng lại thiếu vốn.

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành cà phê. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo giải quyết nợ xấu cho ngành cà phê theo đúng tinh thần Nghị quyết 01/NQ - CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ; đối với doanh nghiệp có nhiều nợ xấu nhưng có khả năng sản xuất, ngân hàng xem xét khoanh nợ và tiếp tục cho vay mới để kinh doanh...

Đến nay, dù các nhà máy chế biến cà phê nhân được quan tâm đầu tư nhưng không ít nhà máy lớn vẫn đang gặp khó về vốn. Bởi vậy, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ cà phê cho nông dân. Theo người trồng cà phê, mức giá thu mua dù đã được cải thiện nhưng do giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao đã đẩy giá thành sản xuất cà phê tăng tương ứng ở mức 29.000 - 30.000 đồng/kg nhân xô. Với mức giá trên, người dân sản xuất cà phê có lãi nhưng mức lãi vẫn chưa cao và chưa ổn định.


Tại các địa phương trọng điểm về cà phê như: Đắk Lắk, Đắk Nông... dù giá cà phê đã cải thiện nhưng người dân trồng cà phê vẫn tiếp tục găm hàng, chờ giá tăng cao hơn nữa. “Thị trường cà phê đang thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư... khi tâm lý chung hầu hết là đợi chờ đến sang tháng 4, thời điểm Brazil bắt đầu vào vụ thu hoạch và công bố sản lượng cà phê trong vụ này. Theo tôi thị trường cà phê năm nay vẫn còn nhiều yếu tố bất ngờ, nhưng chắc chắn sẽ không thất bát về giá như năm 2013”, ông Vinh nhận định.


Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN