Tháo gỡ khó khăn về vốn

Việc tái canh cà phê già cỗi những năm qua gặp khó khăn do thiếu vốn. Tuy nhiên, tới đây, người dân cũng như doanh nghiệp sẽ được trợ giúp về nguồn lực trong việc “trẻ hóa” vườn cà phê, giúp nâng cao năng suất cũng như chất lượng cà phê Việt Nam.


 

Công ty EAKMAT cung cấp cây cà phê giống cho khách hàng. Ảnh: Trần Tuấn - TTXVN

 

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao - cho biết, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào khu vực Tây Nguyên mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cam kết sẽ cung cấp các gói tín dụng để tái canh cây cà phê. Để thực hiện chương trình này, NHNN đã lựa chọn Agribank là ngân hàng chủ lực để triển khai gói tín dụng với tổng trị giá khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2016.


Theo đó, Agribank sẽ cho bà con nông dân trên địa bàn Tây Nguyên vay để tái canh cây cà phê. NHNN sẽ hỗ trợ Agribank bằng nguồn tái cấp vốn từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng để có thể đưa mức lãi suất cho vay ở mức 10 - 10,5%/năm (thấp hơn mức lãi suất cho vay thương mại trung và dài hạn thông thường là 2%/năm). Dự kiến, thời hạn cho vay là từ 7 - 8 năm.


“Thời gian tái canh phải mất ít nhất từ 5- 6 năm (3- 4 năm luân canh, 2 năm trồng cây cà phê mới). Trong khoảng thời gian đó, thu nhập của người trồng cà phê bị hụt, sản lượng cà phê cũng sụt giảm. Do vậy, việc tái canh cà phê ở Tây Nguyên không nên tiến hành ồ ạt, mà phải có lộ trình, có kế hoạch cụ thể cho từng năm”. Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam

Trước mắt, Agribank triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2015. Theo đó, tổng diện tích cà phê tái canh, cải tạo giống của Lâm Đồng là 22.982 ha, tổng chi phí thực hiện khoảng 4.428 tỷ đồng. Như vậy, vốn hỗ trợ cho vay của Agribank chiếm 70%.


Trao đổi với PV Báo Tin tức, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết, để tái canh 1 ha cà phê, các nông hộ cần đầu tư từ 120 - 150 triệu đồng. Như vậy, chi phí cần tái canh 100.000 ha cà phê hiện nay ít nhất là 10.000 tỷ đồng. Việc Agribank triển khai gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng tại Lâm Đồng là tín hiệu đáng mừng cho ngành cà phê Việt Nam, để giúp các nông hộ, doanh nghiệp có nguồn vốn tái canh diện tích cà phê già cỗi.


Ông Vinh cũng cho biết thêm, Hiệp hội cà phê ca cao đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Quỹ phát triển cà phê Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê sẽ đóng góp vào quỹ với mức 2 USD/tấn. Theo ông Vinh, với mức đóng góp này, bình quân mỗi năm, Quỹ có được nguồn kinh phí 50 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng vào việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; giúp nông dân nâng cao chất lượng giống cà phê, tái canh diện tích cà phê già cỗi.


Như vậy, khó khăn về vốn trong tái canh cà phê sẽ sớm được tháo gỡ trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện việc tái canh hiệu quả, theo ông Vinh, các hộ nông dân, doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, không nên nóng vội. Ông Vinh cũng cho rằng, ở góc độ vĩ mô, Bộ NN&PTNT cần đưa ra đề án tái canh cà phê. Trong đó, phải biết được có bao nhiêu diện tích cà phê cần tái canh ngay, diện tích nào cần tái canh sau. Bởi trên thực tế, có những vườn cà phê 25 tuổi nhưng vẫn cho năng suất cao.

 

Huyền Tím - Quang Huy

Tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên - Diện tích “lão hóa” tăng nhanh
Tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên - Diện tích “lão hóa” tăng nhanh

Diện tích cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh ở các tỉnh Tây Nguyên ngày một tăng, khoảng trên 100.000 ha. Thực trạng này không chỉ khiến cho nhiều nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê gặp khó khăn, mà còn đe dọa đến sự ổn định của ngành cà phê Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN