Tây Nguyên tập trung giải quyết đất sản xuất

Ngày 22/7, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chủ trì hội nghị.

 

Nhiều kết quả tích cực


Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Tây Nguyên đã phải đối mặt với nhiều khó khăn; tuy nhiên, với sự nỗ lực của các địa phương, kinh tế- xã hội của vùng đã thu được nhiều kết quả tích cực: Tăng trưởng GDP toàn vùng đạt khoảng 9%, kim ngạch xuất khẩu đạt 899 triệu USD; thu ngân sách ước đạt 6.876 tỷ đồng. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục, y tế được cải thiện. Toàn vùng đã đào tạo nghề cho 36.000 người, giải quyết việc làm cho 51.000 lao động.


Quang cảnh hội nghị.Đặng tuấn - TTXVN

Công tác quản lý rừng và bảo vệ rừng có một số chuyển biến. Nhiều điểm nóng về phá rừng, khai thác gỗ trái phép đã bị xóa bỏ. Tuy hạn hán kéo dài, nhưng tình hình cháy rừng đã được kiềm chế, diện tích rừng trồng mới đạt khá, đạt 1.513 ha.


Quy hoạch thủy điện được rà soát, loại bỏ bớt nhiều dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đất rừng và đời sống người dân. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn vùng đã huy động được nguồn vốn gần 32.300 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển sản xuất. Đến nay toàn vùng có 2 xã đạt đủ 19 tiêu chí, 17 xã đạt từ 14- 18 tiêu chí, 76 xã đạt từ 9- 13 tiêu chí.


"Nóng" chuyện đất đai


Vấn đề giải quyết đất sản xuất, việc làm và đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã được nêu ra tại hội nghị. Kiến nghị chung của lãnh đạo các tỉnh trong vùng và nhiều bộ, ngành Trung ương, là cần sớm giải quyết vấn đề này cho đồng bào trong thời gian tới.

Ban Chỉ đạo cũng sẽ sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, trên cơ sở đó nghiên cứu, lựa chọn những vấn đề quan trọng và cấp thiết báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, chính sách, cơ chế đối với vùng Tây Nguyên.

Đại tướng Trần Đại Quang


Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 12 ngày 24/10/2011: “Từ nay đến năm 2015, tập trung giải quyết căn bản vấn đề đất đai, ưu tiên giải quyết đủ đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, bảo đảm cho đồng bào làm chủ được mảnh đất của mình”; sau 1,5 năm, toàn vùng Tây Nguyên mới giải quyết được cho khoảng 3.500 hộ thiếu đất sản xuất; tương đương với số hộ thiếu đất phát sinh thêm trong thời gian này. Do vậy, vấn đề thiếu đất sản xuất tiếp tục trở thành vấn đề cấp bách ở Tây Nguyên.


Theo các đại biểu, 6 tháng đầu năm 2013, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã có nhiều biện pháp hỗ trợ về chăn nuôi, tạo việc làm, phát triển ngành nghề nông thôn, đồng thời tháo gỡ dần một số vướng mắc về đất đai trong các dự án nông lâm nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số có đất sản xuất. Tuy vậy, thực tế cho thấy, nỗ lực của các địa phương mới chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ và mang tính tình thế. Hiện toàn vùng còn trên 20.000 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích tối thiểu khoảng 12.000 ha.


Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nêu rõ: Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, lực lượng thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định chính trị- xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới và nội địa; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc về tài nguyên, môi trường, đất đai, việc làm và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.


Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị cần tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai kết quả Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 (2013), nhất là việc triển khai các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và các cam kết hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Tiếp tục tổ chức kiểm kê, đánh giá thực trạng hạ tầng nông thôn, tình hình sử dụng đất, sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ và dân di cư tự do để đề xuất chủ trương, giải pháp căn cơ, lâu dài; kết hợp với việc đôn đốc thực hiện Quyết định số 755 (ngày 20/5/2013) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.


Cần tạm dừng xây mới thủy điện


"Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Bộ Công Thương tạm dừng xây dựng mới thủy điện ở Tây Nguyên trong hai năm 2013 và 2014 để tập trung giải quyết các tồn đọng về môi trường và xã hội đồng thời, rà soát lại quy hoạch, loại bỏ các dự án thủy điện, các vị trí tiềm năng không khả thi và có tác động xấu đến môi trường", ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, khẳng định.


Theo ông Trần Việt Hùng, để giải quyết những vấn đề bức xúc dư luận quan tâm, góp phần ổn định kinh tế - xã hội ở những vùng dự án, thời gian qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã giám sát công tác tham mưu quy hoạch, đầu tư phát triển thủy điện ở Tây Nguyên và các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ thực hiện đầy đủ các kết luận về giám sát quy hoạch, đầu tư phát triển thủy điện; đôn đốc các bộ, ngành và các tỉnh tập trung giải quyết nhanh các tồn đọng về xã hội và môi trường trong các vùng dự án.
Được biết, tại khu vực Tây Nguyên và phụ cận, đã có 118 dự án thủy điện hoàn thành, phát điện, với tổng công suất 5.798 MW; 75 dự án đang thi công. Thời gian qua, Bộ Công Thương và các tỉnh đã rà soát, loại bỏ 155 dự án thủy điện và 72 vị trí tiềm năng (với tổng công suất 800 MW). Tuy vậy, việc quy hoạch, đầu tư phát triển thủy điện ở Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại về môi trường và xã hội.

 

Cụ thể, khu vực Tây Nguyên đã phải chuyển đổi 80.000 ha đất các loại cho thủy điện và có gần 26.000 hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng các công trình thủy điện. Ngoài ra, việc trồng rừng bù lại diện tích rừng bị mất do xây dựng thủy điện cũng rất chậm; mới chỉ trồng được 757 ha so với 22.770 ha rừng đã chuyển đổi mục đích xây dựng thủy điện. Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng của các dự án thủy điện vừa và nhỏ bị buông lỏng, để xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng; nhiều công trình, dự án chậm khắc phục hậu quả về môi trường; chậm tổ chức tái định canh định cư. Hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân trong các vùng dự án chưa được cấp đủ đất sản xuất; nhiều hạng mục giao thông và công trình phúc lợi chưa bố trí vốn xây dựng, gây khó khăn cho đi lại và sinh hoạt của nhân dân, như tại các dự án Đam Bri, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Sêrêpôk 3, Sêrêpôk 4, An Khê - Kanăk, Đăk Đring…


Hoàng Liên Sơn


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN