Tập trung khắc phục hậu quả bão lũ

Để đối phó và khắc phục nhanh hậu quả do bão lũ gây ra, lãnh đạo UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) các tỉnh miền Trung đã đi xuống các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó với lũ, an toàn hồ chứa, sơ tán dân tại các trọng điểm, khu vực xung yếu.


Ngày 18/10, Đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã đi kiểm tra công tác triển khai ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Nghệ An. Bộ Công an có công điện chỉ đạo các sở và các cơ quan trực thuộc triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ.


Thiệt hại nặng nề


Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết: Tính đến ngày 18/10, bão và mưa lũ gây ra tại các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Định và tỉnh Kon Tum đã làm 18 người chết, tăng 8 người so với thống kê sơ bộ ngày hôm trước (Nghệ An 1 người; Hà Tĩnh 4 người; Quảng Bình 7 người; Quảng Nam 6 người); 3 người mất tích (Hà Tĩnh 1 người; Thừa Thiên - Huế 1 người; Bình Định 1 người); 92 người bị thương (Hà Tĩnh 5 người; Quảng Bình 38 người; Quảng Trị 11 người; Thừa Thiên - Huế 11 người; Đà Nẵng 11 người; Quảng Nam 7 người; Quảng Ngãi 9 người).

 

Đưa hàng cứu trợ đến nhân dân vùng lũ tỉnh Hà Tĩnh. Phan Quân-TTXVN


Bão và mưa lũ cũng làm trên 13.000 nhà bị sập, trôi, tốc mái, hư hỏng; 87.382 nhà bị ngập; 587 phòng học bị tốc mái, hư hỏng; nhiều trụ sở cơ quan, bệnh viện bị ngập, tốc mái, hư hỏng. Diện tích lúa và hoa màu bị ngập, hư hại là 7.810 ha; diện tích cây công nghiệp, lâm nghiệp bị gãy đổ là 5.060 ha; hàng trăm nghìn cây ăn quả, cây xanh bị ngã đổ và nhiều gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.


Do mưa lớn, tập trung trong một thời gian ngắn, các tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình đã bị ngập, đặc biệt tỉnh Hà Tĩnh đã bị ngập nghiêm trọng. Tại Hà Tĩnh, mưa lớn đã gây ngập lụt 69 xã; trong đó huyện Hương Sơn 29 xã; Hương Khê 10 xã; Vũ Quang 11 xã; Đức Thọ 15 xã và Nghi Xuân có 1 thôn Xuân Giang II.


Giao thông chia cắt


Tại Hà Tĩnh, mưa bão đã làm cho khối lượng đường giao thông bị sạt lở, vùi lấp là 88.810 m3; 45 cầu bị hư hỏng; 85 cống qua đường loại nhỏ bị trôi, hư hại; 10.185 m đê, kè bị sạt lở, cuốn trôi; 10.040 m kênh, mương bị sạt lở, hư hỏng. Quốc lộ 8A đoạn từ km52+00 - km60+00 một số vị trí bị ngập cục bộ sâu từ 0,6 - 0,8 m; đoạn K81+800 - K82+500 sạt mái ta luy âm gây đứt đường; đoạn K82+500 bị sạt ta luy dương gây ách tắc giao thông từ chiều 16/10 đến nay chưa thông tuyến; tỉnh lộ 3 đoạn cầu Khe Giao tại K24+600 ngập sâu 0,3 m; tỉnh lộ 5 nhiều đoạn bị sạt mái ta luy dương, âm; quốc lộ 1A đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến Hồng Lĩnh bị ngập một số đoạn cục bộ từ 0,2 - 0,3 m và có xu hướng ngập sâu hơn do lũ thượng nguồn đang tiếp tục đổ về.


Tại Quảng Bình, các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng đã thông xe trong ngày 17/10, riêng đường Hồ Chí Minh nhánh đông đoạn đèo Đá Đẽo bị sụt trượt chưa khôi phục xong.


Tại Nghệ An, đường quốc lộ 7 đoạn K16+400 - K18+100 ngập sâu 0,4 - 0,5 m, một số điểm thuộc tuyến đường ĐT531 bị ngập sâu từ 0,4 - 0,6 m riêng tại K23+800 ngập 2,8 m và Km52+300 ngập 2,5 m; tại các vị trí ngập sâu trên 0,25 m, đơn vị quản lý đã tổ chức cắm tiêu vè báo hiệu, cử người trực gác đảm bảo giao thông. Đến sáng ngày 18/10, các điểm bị ách tắc trên đều đã thông xe.


Ngoài ra, do mưa ở lưu vực sông Cả kết hợp mưa lớn tại lưu vực đã làm vỡ 2 đập hồ nhỏ là đập Còn Đẻn, xã Thanh Xuân có dung tích trữ nước 7.000 m3, diện tích tưới 10 ha lúa, tràn xả lũ dài 15 m và đập Phốp, xã Thanh Xuân, có dung tích trữ nước 18.000 m3, diện tích tưới được 19 ha lúa, tràn xả lũ dài 8 m. Hồ Đồn Húng xã lăng Thành, huyện Yên Thành, nước tràn với cột nước 1,1 m, mực nước cách đỉnh đập 0,82 m. Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo huyện Yên Thành và Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc Nghệ An xử lý hạ tràn phụ (rộng 18 m, dài 25 m, sâu 1,3 m), phía hạ lưu tràn phụ địa phương đã tổ chức di dời dân đến nơi an toàn.


Tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả


Cho đến ngày 18/10 vẫn có hơn 62.000 học sinh chưa thể đến trường, nhiều nhất là ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Kỳ Anh và Thạch Hà. Ngành giáo dục, các lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên các địa phương cùng với giáo viên các trường ở Hà Tĩnh đã khẩn trương dọn dẹp lại phòng học, đảm bảo học sinh có thể đến trường trong thời gian sớm nhất. Công tác phòng chống dịch bệnh sau lũ cũng đã được Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Khê kịp thời chỉ đạo cán bộ bám ở cơ sở, cấp 230 kg Cloramin B và 38.000 viên Cloramin B cho tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện để xử lý nước uống, sinh hoạt. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân phòng tránh các loại bệnh có thể xảy ra sau khi nước lũ rút như: Sốt xuất huyết, ghẻ lở, nước ăn chân, đau mắt đỏ.


Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định cứu trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo và 13.000 thùng mỳ tôm cho nhân dân ba huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt.


Theo quyết định, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cứu trợ huyện Hương Sơn 500 tấn gạo và 5.000 thùng mỳ tôm; huyện Hương Khê 100 tấn gạo và 7.000 thùng mỳ tôm; huyện Vũ Quang 400 tấn gạo và 1.000 thùng mỳ tôm. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Công Thương liên hệ với Ban Cứu trợ tỉnh và các địa phương liên quan vận chuyển kịp thời số lương thực này đến các huyện nói trên trước ngày 20/10.


Ngày 18/10, đoàn cứu trợ Trung ương do đồng chí Vũ Trọng Kim, Trưởng Ban cứu trợ Trung ương kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến trao số tiền 2,1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào vùng bị lũ lụt của tỉnh Hà Tĩnh.


Cùng ngày, đoàn của Bộ tư lệnh Biên phòng Việt Nam do thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã trao số tiền 1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị lũ lụt của tỉnh Hà Tĩnh và 500 triệu đồng ủng hộ gia đình các cán bộ, chiến sỹ biên phòng tỉnh Hà Tĩnh bị ảnh hưởng của thiên tai.


Ngày 18/10, đoàn cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã về thăm hỏi, động viên và trao quà cứu trợ cho người dân huyện Lệ Thủy bị ảnh hưởng nặng trong hai cơn bão số 10 và 11 vừa qua.


Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao hỗ trợ 10 tấn gạo cho 376 hộ dân ở 12 thôn thuộc xã Sen Thủy và trao số tiền 120 triệu đồng cho trên 100 hộ gia đình tại xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy.


Trước đó, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về cấp phát gạo và cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng nặng trong cơn bão số 10, Hội Chữ thập tỉnh đã hỗ trợ 40 tấn gạo cho các xã: Trung Hóa (huyện Minh Hóa), Quảng Trường (huyện Quảng Trạch), Bảo Ninh (huyện Đồng Hới) và Sen Thủy (huyện Lệ Thủy). Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ tiền mặt với tổng giá trị 960 triệu đồng cho 868 hộ dân các địa phương: Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa); Quảng Liên, Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch); Hải Trạch, Trung Trạch (huyện Bố Trạch); Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh); Nghĩa Ninh (huyện Đồng Hới); Mai Thủy (huyện Lệ Thủy).


TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN