Tăng cường phương tiện tuyên truyền cho bộ đội biên phòng

Thời gian qua, chương trình phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được hai cơ quan triển khai có hiệu quả. Đây cũng là nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở giai đoạn 2013-2015 vừa được hai cơ quan ký kết cùng thực hiện trong giai đoạn mới.


Theo Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh BĐBP, hàng năm BĐBP nhận được sự hỗ trợ nội dung của chương trình triển khai về các Đồn biên phòng, các tuyến biên giới biển, đảo rất cụ thể.


Nội dung của chương trình đã nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, cung cấp được phương tiện và nội dung thông tin giúp cho cán bộ chiến sĩ ở các Đồn biên phòng không chỉ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa mà còn có điều kiện, phương tiện để giúp cho đồng bào vùng sâu, vùng xa được tốt hơn. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, công tác thông tin, truyền thông ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; trong khi đó các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá ta với nhiều thủ đoạn, phương tiện…


Trong thời gian qua BĐBP đã triển khai đồng loạt thông tin truyền thông ở các cửa khẩu, nhất là những cửa khẩu lớn ở các tỉnh như Quảng Trị, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh… và gần đây nhất là cụm thông tin đối ngoại tại Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Hay cụm pa-nô áp-phích truyền thông trên tuyến biên giới giáp ranh giữa tỉnh Lai Châu và nước bạn cũng như truyền thanh nội bộ của các xã biên giới. Bên cạnh đó, BĐBP đã phối hợp với Sở TT&TT và sự nỗ lực của đơn vị, các Đồn BP chủ trì lắp đặt hệ thống thông tin, viết bài, đọc tin vào mỗi buổi sáng, tối cho đồng bào, kể cả biên soạn ra các thứ tiếng của đồng bào ở vùng cao như tiếng Mông, tiếng Thái…


Đây là những mô hình rất hiệu quả, giúp BĐBP chủ động tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. “Bộ đội cho rằng khó mấy thì khó, nhưng trước hết tinh thần giữ gìn bảo vệ biên giới Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, chống lại những âm mưu thủ đoạn của kẻ địch phải được nhân dân vùng biên giới thấm nhuần, hiểu rõ. Qua chương trình này tôi thấy hỗ trợ phương tiện truyền thông rất có hiệu quả”, Thiếu tướng Lê Thái Ngọc khẳng định.


Với mục đích đầu tư thiết bị tác nghiệp truyền thông phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền cho mỗi Đồn biên phòng để cán bộ và chiến sĩ BĐBP sử dụng làm phương tiện thông tin tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo khu vực biên giới. Trang bị đúng đối tượng, sử dụng đạt hiệu quả, yêu cầu tuyên truyền.

Chương trình “Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” (Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì là một trong 15 chương trình MTQG theo Quyết định số 2331/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 20/12/2011. Chương trình gồm 3 dự án là: “Tăng cường năng lực cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở”, “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở”, “Tăng cường nội dung thông tin và truyền thông về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.


Hiện nay đối với các khu vực biên giới, khu vực nhạy cảm nơi có BĐBP đứng chân, nhất là tình hình biển đảo, tình hình di cư tự do, tình hình xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị… có những việc rất cần tuyên truyền để nhân dân khu vực biên giới hiểu rõ. Nhưng do lực lượng của chúng ta mỏng, đôi khi phương tiện đi lại khó khăn và chưa có sự phối hợp tốt nên việc tuyên truyền để bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hiễu rõ âm mưu của các thế lực thù địch còn nhiều hạn chế.


Chính những điều đó cho thấy, việc tuyên truyền miệng, đưa thông tin về cơ sở thông qua báo chí hay những mô hình cụ thể đã phát huy hiệu quả. Bà con ở những vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới biển đảo rất hiểu, nắm rất chắc, nhân dân nhận thấy âm mưu thủ đoạn của kẻ địch. Qua đó nâng cao trách nhiệm, nhận thức của đồng bào trong việc xây dựng các phong trào, góp phần giúp nhân dân vùng cao biên giới ổn định cuộc sống… Nhìn một cách khách quan thì các đơn vị ở một số nơi đã làm tốt nhưng chưa nhân rộng mô hình ra được. Việc đến với bà con vùng cao, biên giới phải phối hợp được mục tiêu: Đi bằng chân, nói bằng miệng nhưng tựu chung lại là phải có phương tiện, tất cả những cái đó mới có thể tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả được, Thiếu tướng Lê Thái Ngọc cho biết thêm.


Theo Ban quản lý chương trình mục tiêu quốc gia Bộ TT&TT, trong chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đầu tư cho mỗi Đồn biên phòng một bộ thiết bị âm thanh - ánh sáng để phục vụ tác nghiệp truyền thông, tuyên truyền. Việc thực hiện đầu tư theo tiêu chí là những Đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn hoặc gần khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Khoảng cách khu vực đồng bào sinh sống cách xa vùng trung tâm của xã, thị trấn (thời gian đi bộ ít nhất là một ngày đường); đường giao thông đi lại khó khăn. Đồn biên phòng có cán bộ, chiến sỹ có khả năng, năng lực thực hiện công tác thông tin tuyên truyền đến với bà con khu vực Đồn biên phòng đóng quân.


Bài và ảnh:Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN