Tại sao Mỹ không bán cho Ixraen bom xuyên boongke?

Nhận định về quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia đồng minh số một trên thế giới là Mỹ và Ixraen, báo "As-Sharki Al-Ausat" (Trung Đông) cho rằng vì những toan tính và lợi ích riêng, Mỹ không phải lúc nào cũng sẵn sàng "mở lòng" với Ixraen, mặc dù đồng minh này luôn có vai trò rất quan trọng trong việc giúp Mỹ thực hiện chiến lược ở Trung Đông. Một trong những bằng chứng mà báo "As-Sharki Al-Ausat" viện dẫn để chứng minh cho nhận định trên là việc Mỹ quyết không bán cho Ixraen loại bom xuyên boongke có thể xuyên thủng những bức tường bê tông rất dày nằm sâu trong lòng đất.

Nếu bán bom xuyên boongke cho Ixraen, Mỹ phải cung cấp phương tiện tác chiến là máy bay B-2. Ảnh: Internet

 

Theo báo "As-Sharki Al-Ausat", một hợp đồng mua bán vũ khí trị giá nhiều tỷ USD vừa được ký kết giữa Mỹ và Ixraen, trong đó gồm các tên lửa chống rađa, tên lửa tìm kiếm, phá hủy các hệ thống phòng không của đối phương, các hệ thống rađa mới tinh vi, hiện đại, trang bị cho máy bay tiêm kích, máy bay tiếp dầu KC135 và máy bay vận tải Osprey V-22. Tuy nhiên, theo "Thời báo New York" (Mỹ), trong số vũ khí đó không có loại bom xuyên boongke, được điều khiển bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), mặc dù Ixraen luôn tha thiết yêu cầu được sở hữu loại vũ khí này bởi nếu thiếu nó, một cuộc tấn công của nước này nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran dường như không thể bảo đảm phần thắng.


Loại bom xuyên boongke này có trọng lượng 30.000 cân Anh, hiện là loại vũ khí lớn nhất trên thế giới để trang bị cho máy bay chiến đấu. Sau khi rời khỏi chiến đấu cơ, nó được điều khiển bằng hệ thống GPS, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối và có thể đánh trúng mục tiêu nằm trong boongke ở độ sâu 60 mét trong lòng đất. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Mỹ, hiện nay loại bom này là vũ khí duy nhất có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran, hầu hết được đặt sâu trong lòng núi đá, nghĩa là nếu thiếu nó, mọi thứ vũ khí khác dùng trong các cuộc tấn công bằng không quân vào các cơ sở hạt nhân của Iran xem như chỉ là "gãi ngứa". Và cách duy nhất còn lại sau việc sử dụng loại bom trên chỉ là tấn công bằng bộ binh.


Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ quyết không bán cho Ixraen loại vũ khí này, mặc dù Oasinhtơn thừa biết Ixraen rất nóng lòng muốn xóa sổ các cơ sở hạt nhân của Iran? Theo tính toán của Ixraen, nếu chậm trễ, chỉ trong vòng 6 tháng nữa, Iran sẽ chế tạo thành công vũ khí hạt nhân. Mỹ cũng thừa biết Ixraen chỉ có thể tấn công Iran bằng không quân, chứ không thể dùng bộ binh, nhưng tại sao vẫn không cung cấp cho đồng minh này loại bom đó?
Báo "As-Sharki Al-Ausat" dẫn nhận định của Phó Giáo sư Nicolai Surkov thuộc Khoa Phương Đông, Học viện Quan hệ Quốc tế Mátxcơva (MGIMO) ở Nga, cho rằng tại thời điểm hiện nay, Mỹ không muốn có thêm một cuộc chiến nữa ở khu vực Trung Đông, cho dù Oasinhtơn có tham gia hay không. Mỹ cũng không muốn Ixraen khơi mào cuộc chiến chống Iran vì như vậy sẽ tạo ra "rất nhiều vấn đề" không chỉ với chính người Do Thái, mà cả Mỹ và các đồng minh của họ ở vùng Vịnh (ý nói các nước Arập) cũng sẽ bị "vạ lây" vì người Ba Tư đã thề rằng nếu bị đánh, họ sẽ tấn công trả đũa nhằm vào các lợi ích của Mỹ ở vùng Vịnh, và khi ấy hậu họa sẽ là khôn lường. Vì thế, Mỹ luôn tìm mọi cách để ngăn chặn khả năng Ixraen tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, và việc không bán loại bom trên cho Ixraen là nằm trong chủ trương ấy.


Lý do thứ hai để Mỹ không bán loại bom này là nếu bán trâu, phải bán cả rợ (dây để dắt trâu), vì loại bom này có trọng lượng rất lớn, hiện chỉ có hai loại máy bay chiến đấu có thể tác chiến được với nó là B-52 và B-2, mà cả hai loại máy bay này hiện Ixraen đều không có. Vì thế, nếu bán loại bom này cho Ixraen, đương nhiên Mỹ lại phải cung cấp phương tiện tác chiến, cụ thể là máy bay B-2, bởi khoảng cách từ Ixraen tới Iran quá xa, không phù hợp với B-52. Và như thế có nghĩa là khi Ixraen, cho dù là đơn phương, tấn công Iran bằng loại bom này, Mỹ vẫn bị xem là có dính líu - điều mà Oasinhtơn không mong muốn vì rất nhiều lẽ.


Còn một lý do nữa khiến Mỹ chưa muốn cung cấp cho đồng minh Ixraen loại vũ khí này, đó là Iran đang bước vào cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 6 tới, và Mỹ hy vọng tổng thống tương lai của Iran sẽ có những thay đổi theo hướng tích cực hơn nên muốn chờ thêm biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran bằng con đường hòa bình, chứ không phải bằng vũ lực như đề nghị bấy lâu nay của đồng minh Ixraen.


Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN