Số vụ tai nạn gia tăng

Theo thống kê, trong những năm gần đây, ở lĩnh vực công nghiệp có tỷ lệ tai nạn lao động luôn ở mức cao.

Than, thép, điện lực đứng đầu bảng


Bộ Công Thương cho biết, năm 2012, toàn ngành để xảy ra 43 vụ tai nạn lao động chết người, làm 48 người tử nạn. Đặt cạnh bảng số liệu tổng hợp năm trước, năm nay số vụ tai nạn chết người tăng tới 56% và số người tử vong cũng tăng 62%.

Công nhân xây dựng làm việc ở độ cao chót vót mà không có thiết bị bảo hiểm. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


Than, thép, điện lực là những ngành để xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người hơn cả. Đơn cử, năm 2012, số vụ tai nạn lao động chết người ngành than tăng tới 77% so với năm 2011.


Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam để xảy ra 30 vụ tai nạn lao động chết người với 34 người chết (trong khi năm 2011 chỉ có 17 vụ với 19 người chết). Tổng công ty Thép Việt Nam để xảy ra 4 vụ tai nạn lao động làm chết 4 người, trong khi năm 2011 không có vụ nào. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 5 vụ tai nạn lao động làm chết 5 người, trong khi năm 2011 chỉ xảy ra 2 vụ làm chết 2 lao động.

Truy tìm nguyên nhân


Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Phó phòng Kỹ thuật an toàn Môi trường (Sở Công Thương Hà Nội), qua thực tế kiểm tra cho thấy, mức độ quan tâm đến việc bảo đảm an toàn lao động tại từng đơn vị là khác nhau. Điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, một bộ phận doanh nghiệp đã cắt giảm chi phí cho công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.


Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ chưa được các doanh nghiệp tổ chức thường xuyên, liên tục. Trong khi đó, việc thanh kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Số đơn vị được thanh, kiểm tra chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số các đơn vị đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.


Năm 2012, cả nước đã xảy ra 6.777 vụ tai nạn lao động làm trên 600 người chết, gần 1.500 người bị thương nặng. Tổng thiệt hại về vật chất gần 94 tỷ đồng. So với năm 2011, số vụ tai nạn tăng 15%, số người bị nạn tăng 13%, số người chết tăng gần 6%.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định công nghiệp I (Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương) Thạch Văn Việt cho biết, một số chủng loại thiết bị như tuyến ống cấp nước trong nhà máy nhiệt điện, hệ thống cung cấp ga cho tòa nhà cao tầng… vẫn chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn lao động. “Việc làm cấp thiết hiện nay là phải xây dựng và ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn cho những thiết bị này”, ông Việt bày tỏ. Cùng quan điểm này, ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng đánh giá: “Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện còn thiếu”. “Công tác xây dựng hệ thống quản lý an toàn, thực hiện đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp còn nhiều bất cập”, Cục trưởng Đỗ Quang Vinh thẳng thắn đánh giá. Trên thực tế, mới có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam làm tốt công tác này, những đơn vị khác đều chưa thực hiện hoặc đang trong giai đoạn nghiên cứu triển khai.


Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm định công nghiệp I, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra để phát hiện và xử lý những đơn vị không đủ năng lực kiểm định, không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình trong quá trình kiểm định. Thực tế cho thấy, giữa những đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định đã xuất hiện hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, có những đơn vị đã cắt giảm quy trình kiểm định để giảm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh để giành thị phần. Điều này đã ảnh hưởng xấu tới việc đảm bảo độ an toàn của thiết bị được kiểm định.


Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN