Sản phẩm giá rẻ Trung Quốc “bóp nghẹt” dệt may Peru

Kể từ khi Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa Peru và Trung Quốc có hiệu lực vào năm 2010 và quốc gia Nam Mỹ này ký một loạt thỏa thuận tương tự với Colombia và một số quốc gia khác, hoạt động kinh doanh của 25.000 nhà sản xuất và kinh doanh hàng may mặc tại quận Gamarra, trung tâm buôn bán hàng thời trang tại thủ đô Lima, ngày một tụt dốc.

Hoạt động kinh doanh hàng may mặc tại Gamarra ngày một tụt dốc.


Thợ may Irma Cayetano cho biết vào thời điểm này trong năm, họ thường bận rộn may hàng cho lễ Giáng Sinh và những khách hàng từ Colombia, Ecuado, Venezuela và Brazil sẽ đến và “mua sạch” đồ trong cửa hàng, nhưng giờ mọi việc đã đảo ngược do sự tràn ngập của hàng nhập khẩu giá rẻ.


Mặc dù những người kinh doanh tại Gamarra vẫn nhận được đơn đặt hàng hàng triệu chiếc áo phông phục vụ World Cup 2014, song kể từ tháng 7/2013, doanh số bán hàng tại quận này đã giảm 50% so với năm trước và những người bán hàng đã mất 1/3 thị trường, do hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.


Những người di dân Italy và Arập là những người đầu tiên mở các cửa hàng quần áo tại Gamarra vào cuối thế kỷ 19. Dần dần lượng người buôn bán nhỏ tập trung về đây ngày càng đông và tạo ra một sự bùng nổ vào những năm 1960. Hiện nay, tại Gamarra, người ta có thể tìm thấy những cửa hàng chỉ chuyên bán chỉ, cúc áo hay khóa dây, đặc biệt là loại vải sợi cotton (bông) chất lượng cao của người Peru và len alpaca thượng hạng. Các mặt hàng vô cùng đa dạng và giá cả phải chăng ở Gamarra thu hút khách hàng, song vẫn không thể cạnh tranh về giá với sản phẩm may mặc của Trung Quốc.


Người đứng đầu hiệp hội kinh doanh Gamarra, Diogenes Alva, cho hay hàng dệt may của “người khổng lồ châu Á” có giá rẻ hơn 40% so với của Peru. “Nhờ FTA với Trung Quốc, 1 kg áo phông làm từ vải acrylic (nhập vào) bán buôn tại Peru có giá 5 USD hoặc thấp hơn, rẻ hơn tới 3 lần so với loại tương tự của Peru, làm từ vải cotton. Theo thống kê, khoảng 3.000 hộ kinh doanh đang đứng bên bờ vực phá sản.


Trong khi đó, những người kinh doanh hàng Trung Quốc lại tỏ ra “hoan hỉ”. David Chen, một thương lái người Trung Quốc đã kinh doanh tại Peru từ 10 năm nay, đã mở cửa hàng của riêng mình để nhập khẩu hàng từ châu Á. Theo ông Cheng, công việc kinh doanh của ông đang rất thuận lợi và sản phẩm may mặc của Peru không thể cạnh tranh về giá với sản phẩm của Trung Quốc và Ấn Độ.


Ông Alva cho biết tổ chức của ông muốn bảo vệ ngành may mặc của Peru, song nhiều người kinh doanh đã từ bỏ việc cạnh tranh và chuyển sang nhập hàng Trung Quốc. Trong giai đoạn từ năm 2005 - 2013, hàng Trung Quốc đã thay thế khoảng 237 triệu mặt hàng tại Gamarra. Một số thợ may và thương gia người Peru đã chỉ trích FTA giữa Peru và Trung Quốc là một sai lầm. Ông Fabian Cuya Caritas, người đã làm việc trong 40 năm nay ở Gamarra, nói: “Chúng ta có thể trao đổi thương mại với Trung Quốc nhưng không thể để họ đẩy chúng ta đến bờ vực phá sản”.


Trà My (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN