Sắc màu Hà Nội qua giải thưởng Bùi Xuân Phái

Những ngày cuối cùng của tháng Tám, không cần nhắc cũng nhớ, người Hà Nội lại ngong ngóng về giải thưởng mang tên người họa sĩ của phố Hà Nội: Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

 

Đơn giản thôi, bởi với mỗi giải thưởng, mỗi đề cử, người Hà Nội lại thấy trong đó là tình yêu với Thủ đô tỏa sáng, những tình yêu nhiều sắc màu, từ sâu đậm cả đời, tới những ý tưởng vừa xuất hiện, từ những công trình nghiên cứu dài, tới những việc làm cụ thể từng ngày… Những tình yêu, như họa sĩ Bằng Việt chia sẻ: Luôn làm chính BGK của giải thưởng cũng phải bất ngờ!


Lan tỏa một tình yêu


Là một hoạt động chào mừng 69 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng là hoạt động chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô, nên năm nay lễ trao giải trang trọng hơn hẳn. Sự góp mặt của những tác giả đã từng đạt giải và những tác giả được đề cử, cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo TTXVN… đã làm một minh chứng cho sự thành công, cho tiếng vang của một giải thưởng nghệ thuật nhưng mang nhiều giá trị khoa học và nhiều ý nghĩa xã hội này.

 

Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao “Giải thưởng Lớn” cho nhà
Hà Nội học  Vũ Tuân Sán.

 

Như đánh giá của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: “Đây làm một giải thưởng rất Hà Nội, mang đầy tính biểu trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến, dành để tôn vinh những tác giả, tác phẩm, những ý tưởng, việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt đời sống của Hà Nội và thấm đậm một tình yêu Hà Nội. Vì thế, lễ trao giải hôm nay cũng chính là khởi động ấn tượng và vô cùng đẹp đẽ cho những ngày tưng bừng kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô đang đến gần”.


Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, trải qua 6 mùa giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, ngoài 5 giải thưởng lớn và 20 tác phẩm, ý tưởng, việc làm… đã được trao giải; giải còn xem xét và đưa vào danh sách đề cử chính thức hàng chục tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có ý nghĩa thiết thực cho Hà Nội, phù hợp với tiêu chí của giải. “Vinh dự năm thứ 4 được đồng hành cùng báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), lãnh đạo thành phố Hà Nội nhận thấy giải thưởng đã thực sự trở thành ngày hội của những người yêu Hà Nội, biểu thị tình yêu Thủ đô của các tầng lớp nhân dân; từ các nghệ sĩ ý thức trăn trở với các sáng tác, nghiên cứu về Hà Nội, đến những người dân bình thường đang sống và làm việc trên mảnh đất này, cho đến những người nước ngoài đang gắn bó với Thủ đô của chúng ta, cũng đều tham gia.

 

Các tác giả nhận giải.

Lễ trao giải lần này càng khiến chúng ta tin yêu Hà Nội hơn, bởi vượt lên cuộc sống hàng ngày, một Thủ đô đang trên đường phát triển, một Thủ đô đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn còn rất nhiều người nặng lòng với Hà Nội”.


Ý nghĩa như vậy, nên giải thưởng năm nay, ngoài việc đồng hành cùng giải thưởng, thành phố Hà Nội cũng đã quyết định cùng báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) nâng giá trị của giải thưởng lên khá cao. Cụ thể, “Giải thưởng lớn” tăng từ 15 triệu đồng lên 20 triệu đồng, các giải thưởng còn lại tăng từ 5 triệu đồng lên 8 triệu đồng. Đây cũng là một sự động viên lớn cho những người yêu Hà Nội!


Những bất ngờ khiến người ta hạnh phúc


Giải thưởng Lớn năm nay thuộc về nhà Hà Nội học đã ngoài 100 tuổi Vũ Tuân Sán. Ông đến nhận giải thưởng trên chiếc xe lăn và cùng với rất nhiều người thân. Không được biết đến nhiều như những nhà nghiên cứu Hà Nội khác, nhưng những đóng góp của nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán với Hà Nội là vô cùng lớn lao.


Sinh năm 1915 tại Hà Nội, Vũ Tuân Sán thuộc thế hệ trí thức thứ ba trong quá trình hiện đại hoá văn hoá ở nước ta, với sự kết hợp trong mình cả phần tinh túy của văn hóa phương Đông và phương Tây. Hiểu biết tinh thông cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Pháp, ông được dư luận trên báo chí và giới nghiên cứu đánh giá là người "mở đường" cho nhiều công trình nghiên cứu biên khảo về Thăng Long - Hà Nội, là nhà Hà Nội học đầu tiên trong số những nhà Hà Nội học góp phần tu chỉnh và làm rõ một số vấn đề và sự việc chính xác về địa - văn hóa Hà Nội. Ông cũng là một trong những dịch giả thơ Hán Nôm nổi tiếng với bút danh Tảo Trang.


Ông là tác giả của một loạt bài nghiên cứu về các sự kiện và nhân vật lịch sử Thăng Long - Hà Nội như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cuộc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung, các nhân vật lịch sử từ nhiều đời như Phạm Tu, Phùng Hưng, Chu Văn An, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Hữu Liêu, Nguyễn Quý Ðức, Bùi Huy Bích, Phạm Ðình Hổ... Có rất nhiều vấn đề mà ngày nay, chúng ta tưởng như "chuyện hai năm rõ mười", nhưng thật ra, từ mấy chục năm trước, có lúc đã bị hiểu sai. Chẳng hạn như vị trí núi Nùng. Có thời còn bị nhầm lẫn đến độ ghi cả vào bản đồ chính thức núi Sưa là núi Nùng. Chính Vũ Tuân Sán là một trong những người đầu tiên "đính chính" lại nhiều vấn đề, trong đó có vị trí núi Nùng. Thời gian trôi qua, sự "hai năm rõ mười" ấy khiến không phải ai cũng nhớ lại công lao của nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán.


Một trong những tác phẩm của nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán được đông đảo người trong giới và công chúng đánh giá cao là “Hà Nội xưa và nay”, một công trình tổng hợp, gồm 77 bài viết, được phân thành các phần: “Hà Nội sử địa”; “Hà Nội di tích”; “Hà Nội danh nhân”; “Hà Nội văn học”; “Hà Nội văn nghệ dân gian, nghề truyền thống”. Mỗi bài trong “Hà Nội xưa và nay” đều thể hiện sự tìm tòi, khám phá bóng dáng Hà Nội xưa. Đặc biệt là từ các tư liệu thu thập được 30-40 năm trước, ông đã khẳng định được Hoàng cung thời Lý, Trần nằm đúng ở vị trí mà những phát lộ khảo cổ học gần đây tìm ra. Sách còn có một loạt bài nghiên cứu công phu của ông về các sự kiện và nhân vật lịch sử Hà Nội qua các thời đại.


Với giải thưởng “Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội” năm nay, sự song hành của “Song xưa phố cũ” (Trần Hậu Yên Thế) và “Hà Nội, một chốn rong chơi” của Martin Rama (Urugoay) quả thật là một điều hạnh phúc với những người trao giải, nhận giải và cả với những người yêu Hà Nội. Bởi lẽ, tình yêu Hà Nội xem ra đã lan tỏa và ngày càng “sung mãn” hơn.


Trần Hậu Yên Thế không phải cái tên xa lạ. Từ những ngày ngụ cư ở khu tập thể Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế ấp ủ một dự định là ghi lại những ký ức về di sản của Hà Nội. Những di sản đang khuất lấp dần và sắp biến mất trong đời sống đương đại. Kể từ đó, anh đã trải qua hành trình dằng dặc 15 năm nghiên cứu về những “hàng mi thép” (những song cửa sắt) ở Hà Nội của anh bắt đầu.Và sản phẩm của 15 năm ngược xuôi, đo đạc, phỏng vấn, ghi chép… đó của Trần Hậu Yên Thế là cuốn sách “Song xưa phố cũ” vừa ra đời cách đây không lâu. Ngay khi mới xuất bản, cuốn sách đã nhận được những sự tán dương nhiệt thành của giới lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc. Trần Hậu Yên Thế chia sẻ: "Một trong những điều tôi muốn nhắn gửi trong công trình của mình là để người đời sau biết rằng: Hà Nội đã từng có "bộ mặt" như thế. Kiến trúc đô thị Thủ đô cũng có thời kỳ đẹp từng centimet như thế. Và Hà Nội ngày nay chúng ta thấy là sản phẩm của một quá trình khác".


Còn với Martin Rama, ông đã chọn Hà Nội là nơi mình sẽ sống khi về già, bởi đó là nơi ông yêu và gắn bó. Martin Rama là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Nam Á có trụ sở tại Delhi, Ấn Độ. Ông làm việc tại vị trí chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam từ năm 2010, giám sát các chương trình của Ngân hàng Thế giới có liên quan đến các chính sách kinh tế và xóa đói nghèo của Việt Nam. “Cuốn sách này là sản phẩm của tình yêu” - Martin Rama nói về cuốn sách “Hà Nội, một chốn rong chơi”, “tôi đã yêu Hà Nội ngay từ lần đầu gặp gỡ, vào tháng 10/1998, và đến giờ, tình yêu đó vẫn chưa hề nhạt phai.


Ở những giải thưởng còn lại, giải thưởng “Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội” thuộc về nhóm sưu tầm và tổ chức triển lãm “Hà Nội sắc màu 1914 - 1917” (và sau đó in thành sách). Còn nhớ, tháng 12/2013, cuộc triển lãm “Hà Nội sắc màu 1914 - 1917” do UBND thành phố Hà Nội và chính quyền vùng Ille de France tổ chức, với sự đồng hành của GS sử học người Pháp Emmanuel Poisson và nhà dân tộc học gốc Việt Đinh Trọng Hiếu, đã giúp cho những người Hà Nội lần đầu tiên được chiêm ngưỡng và biết tới kho ảnh cổ lưu giữ hình bóng cha, ông và quê hương “từ 100 năm trước đây".


Còn giải thưởng “Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội”, thành công đã đến với dự án “Hanoi Fly - Hà Nội, những góc nhìn từ không trung” của nhóm Ashui.com và Hanoi Lovers, với mục tiêu thực hiện cuốn “phim ngắn” đầu tiên về những địa danh nổi tiếng của Hà Nội từ trên cao với chất lượng hình ảnh đạt chuẩn quốc tế (FullHD+4K).


T.Anh

Những sắc màu Hà Nội qua giải thưởng Bùi Xuân Phái
Những sắc màu Hà Nội qua giải thưởng Bùi Xuân Phái

Những ngày cuối cùng của tháng Tám, không cần nhắc cũng nhớ, người Hà Nội lại ngong ngóng về giải thưởng mang tên một người họa sĩ của phố Hà Nội: Giải thưởng “Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội” của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN