Quốc hội thảo luận 3 dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 8/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng, Luật Việc làm.

 

Tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cư trú


Đa số ý kiến các đại biểu thảo luận tại hội trường đã tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.


Tuy nhiên, ý kiến của một số đại biểu còn băn khoăn về phạm vi sửa đổi, bổ sung và cho rằng: các nội dung sửa đổi, bổ sung đã nêu trong dự thảo luật chưa thực sự bao quát toàn diện các vấn đề trong công tác quản lý cư trú. Cụ thể, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị, Chính phủ cần phân tích rõ hơn những khó khăn trong công tác cư trú cũng như mối quan hệ mật thiết của công tác này đối với công tác phòng chống tội phạm và công tác bảo vệ trẻ em, bảo vệ người chưa thành niên thì mới thấy được sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Cư trú hiện hành; đồng thời như vậy mới đầy đủ và thuyết phục hơn.


Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu lại và điều chỉnh như sau: Khi chuyển đến nơi tạm trú khác thì công dân phải nộp lại sổ tạm trú cho công an nơi đang tạm trú và được cấp một giấy giới thiệu để đến nơi tạm trú mới để được cấp sổ tạm trú. Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) thì lại đề nghị giảm thời gian trước khi hết hạn tạm trú từ 30 ngày xuống 15 còn thì công dân phải đến cơ quan công an làm thủ tục gia hạn.


Thảo luận về quy định điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) nhất trí cao như trong dự thảo luật là giao cho Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định về diện tích bình quân để phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương; đồng thời phù hợp với Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.


Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bỏ quy định việc xác định của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân vì sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém; đồng thời dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.

 

Bảo đảm tính kịp thời, chính xác trong thi đua, khen thưởng


Ý kiến của đại biểu tại nhiều tổ tán thành với quan điểm sửa đổi luật cần bảo đảm tính kịp thời, chính xác trong thi đua, khen thưởng để huy động được sức mạnh và sức sáng tạo từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân. Luật hóa một số quy định phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy định chi tiết thi hành luật hiện hành vào dự án luật nhằm cụ thể hóa và nâng cao giá trị pháp lý.


Trong tổng số 103 điều của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, dự án luật sửa đổi, bổ sung 44 điều (được sửa đổi, bổ sung từ chương I đến chương IV), trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định chung, nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành hình thức thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.


Một số ý kiến không tán thành với việc bổ sung Điều 21 quy định thời điểm xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” là 5 năm một lần thay cho xét hàng năm như hiện nay. Theo ban soạn thảo, sửa đổi như vậy là để việc tôn vinh đúng vào dịp Đại hội Thi đua yêu nước các cấp và cũng phù hợp với việc tổng kết, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm của đất nước. Tuy nhiên, các đại biểu Đinh Xuân Thảo, Đào Văn Bình (Hà Nội) và một số ý kiến khác cho rằng, quy định 5 năm mới xét tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc sẽ làm mất tính kịp thời động viên trong thi đua, khen thưởng. Các ý kiến đề nghị vấn đề này cần giữ như luật hiện hành là xét tặng hàng năm.

 

Hoàn thiện chính sách pháp luật về việc làm


Luật Việc làm điều chỉnh các quan hệ về việc làm, tập trung vào một số nội dung: Hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp. Các nội dung này áp dụng đối với mọi người lao động, bao gồm cả người lao động có việc làm (có hoặc không có quan hệ lao động) và người lao động không có việc làm (chưa có việc làm hoặc mất việc làm), người lao động phổ thông và người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, chính sách hỗ trợ tạo việc làm áp dụng chủ yếu đối với người lao động chưa có việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp áp dụng chủ yếu đối với người lao động bị mất việc làm. Các quy định về dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được áp dụng chung đối với tất cả người lao động. Luật Việc làm áp dụng đối với 2 nhóm đối tượng: Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến việc làm.


Một số ý kiến tán thành việc quy định bảo hiểm thất nghiệp trong dự án luật. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp điều chỉnh mọi đối tượng là người lao động (bao gồm cả người lao động không có quan hệ lao động). Đối với người lao động không có quan hệ lao động sẽ được thực hiện theo cơ chế tự nguyện tham gia bảo hiểm thất nghiệp và giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ, mức đóng, mức hỗ trợ, phương thức đóng, thời gian đóng, trình tự thủ tục và lộ trình thực hiện.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN