Quan tâm học sinh dân tộc thiểu số

Từ nhiều năm nay, bằng những chủ trương và biện pháp thiết thực, tỉnh Gia Lai đã đầu tư kiên cố hóa trường lớp học và mở rộng thêm hệ thống trường dân tộc nội trú được coi là "cú huých" quan trọng cho ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Gia Lai phát triển theo hướng chất lượng và bền vững.


Các trường THPT khác thuộc hệ công lập cũng đã được mở rộng đến tận địa bàn các xã. Hiện nay, toàn tỉnh có 16 xã có trường THPT được xây dựng tại trung tâm cụm xã, chủ yếu phục vụ cho học sinh dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Nhiều huyện đã có tới 3 trường THPT như huyện Đức Cơ, Chưprông, Chư Sê... Bên cạnh đó, còn có 16 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và huyện bước đầu đã đi vào hoạt động nền nếp và có nhiều chuyển biến tích cực. Các trung tâm này có nhiệm vụ đào tạo cho học viên cấp THPT theo hệ giáo dục thường xuyên, trong đó tỷ lệ học viên là người dân tộc thiểu số đều tăng hàng năm.


Bên cạnh việc đầu tư kiên cố hóa và mở rộng trường lớp, Chính phủ cũng đã đầu tư nhiều chế độ ưu đãi cho học sinh dân tộc thiểu số ở bậc học THPT, nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết cho các em theo học đầy đủ và tiến bộ. Về chế độ ăn, các em đều được hưởng học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu và được cấp phát 12 tháng/năm; trong đó có 9 tháng học thì được quy đổi thành bữa ăn hàng ngày, còn 3 tháng nghỉ hè thì được chi trả bằng tiền mặt. Tính ra, bình quân mỗi ngày chế độ ăn cho học sinh đạt khoảng 20.000 đồng cho 3 bữa sáng, trưa và chiều; được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, một số trường được hỗ trợ thêm khẩu phần ăn cho học sinh đạt mức 22.000 đồng/ngày.


Nhờ sự chăm lo đặc biệt của Đảng và Chính phủ, số học sinh dân tộc ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh Gia Lai đã có nhiều điều kiện thuận lợi tiếp tục đến trường học ngày càng nhiều. Quy mô học sinh THPT là người dân tộc thiểu số hàng năm tăng cả 2 hệ đào tạo giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có hơn 40.000 học sinh bậc THPT; trong đó có đến 7.500 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm 18,48%; có hơn 2.000 học viên cấp THPT theo hệ giáo dục thường xuyên thì trong đó có đến 1.500 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 71%.


Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN