Quan hệ Nga - Mỹ lại nổi sóng vì vấn đề gián điệp

Bất chấp việc Nga - Mỹ gần đây có những bước đi tích cực nhằm cải thiện quan hệ, hai bên đang đứng trước nguy cơ sa vào trả đũa ngoại giao sau khi cơ quan an ninh Nga bất ngờ thông báo trục xuất một điệp viên Mỹ đang hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao tại Mátxcơva.

 

Điệp viên Mỹ sa lưới


Ngày 14/5, Nga đã bất ngờ ra lệnh trục xuất một nhân viên ngoại giao Mỹ, cho rằng người này là điệp viên và đang tìm cách tuyển mộ một điệp viên Nga. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) xác định danh tính đối tượng trên là Ryan C. Fogle, Bí thư thứ ba Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva.


 

Ryan C.Fogle bị nhân viên an ninh Nga khống chế. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Ngày 15/5, Nga tiếp tục triệu tập Đại sứ Mỹ Michael McFaul đến để giải thích về vụ việc trên. Theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, ông McFaul dường như đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, song nội dung cuộc gặp không được tiết lộ.


Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell đã xác nhận một nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Nga bị giới chức nước sở tại giam giữ nhưng sau đó được trả tự do, và từ chối bình luận về cáo buộc của Nga cho rằng nhân viên này là điệp viên CIA. Ông Ventrell cũng không tiết lộ liệu Oasinhtơn có động thái đáp trả hay không.


Theo cáo buộc của Nga, ông Fogle bị bắt đêm 13/4 khi gặp nhân viên FSB mà ông ta muốn tuyển dụng và trao trước 100.000 USD để đổi lấy tài liệu tình báo về khu vực Bắc Caucasus. Lúc bị bắt, ông Fogle còn mang theo một số "thiết bị kỹ thuật đặc biệt" và "dụng cụ cải trang" như tóc giả, la bàn, bản đồ Mátxcơva và điện thoại lỗi mốt.


Căng thẳng ngoại giao Nga - Mỹ?


Vụ việc xảy ra vào thời điểm nhạy cảm khi Mỹ và Nga đang tìm cách cải thiện quan hệ song phương. Điện Kremli ngày 15/5 thông báo vụ điệp viên bị bắt giữ này có thể cản trở những nỗ lực trong việc cải thiện quan hệ với Oasinhtơn, song không đưa ra bất kỳ lời đe dọa nào.


Người phát ngôn của Tổng thống Nga thông báo: "Việc làm trên (nỗ lực tuyển dụng điệp viên của Mỹ) không giúp tăng cường sự tin cậy giữa hai bên cũng như đưa mối quan hệ của hai nước lên tầm cao mới".


Còn cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yuri Ushakov cho biết “Điện Kremli cảm thấy bất ngờ về hoạt động tuyển dụng một cách thô thiển và vụng về” của tình báo Mỹ trên đất Nga. Cũng theo ông Yuri Ushakov, Cố vấn An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev sẽ có chuyến công du Mỹ từ 20 - 21/5 liên quan tới vụ việc này.


Các nhà phân tích cho rằng, vụ việc này được các phương tiện thông tin lập tức thông báo rộng rãi cho thấy các nhà lãnh đạo cao cấp của Nga muốn thông qua đó để thể hiện quan điểm chính trị của mình đối với Mỹ. Quan hệ Nga - Mỹ có nhiều cải thiện trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, song đã "xấu đi" kể từ khi Tổng thống Putin trở lại điện Kremli một năm trước. Tổng thống Putin đã nhiều lần cáo buộc Mỹ ủng hộ các lực lượng chống đối ở Nga.


Tờ “Thời báo Tài chính” (Anh) cho rằng vụ việc trên một lần nữa chứng tỏ mối quan hệ Nga - Mỹ vẫn rất nhạy cảm, có nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào. Kể từ cuộc chiến tại Grudia năm 2008 và nhất là sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống hồi tháng 3/2012, quan hệ Nga - Mỹ đã ở vào những thời điểm lạnh nhạt nhất. Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, song chiến thuật trả đũa bằng việc bắt giữ điệp viên vẫn tiếp tục được cả hai bên sử dụng thường xuyên trong bối cảnh các cơ quan an ninh - tình báo tìm cách đưa người thâm nhập vào phe đối phương. Vụ bắt giữ Fogle sẽ là một chiến thắng của Tổng thống Putin trong công tác tuyên truyền. Tổng thống Putin thường khẳng định với người dân Nga rằng các cơ quan tình báo nước ngoài vẫn tìm cách thực hiện âm mưu chống lại vai trò lãnh đạo của ông.


Lê Hải (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN