Phối hợp đồng bộ chính sách tiền tệ và tài khóa

Theo chuyên gia kinh tế Trịnh Thị Phan Lan, công tác tại trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong giai đoạn 2014 - 2015, sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ (CSTT) và chính sách tài khóa (CSTK) sẽ giúp kiềm chế lạm phát, khơi thông nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô.


Mang lại hiệu quả lớn


Giai đoạn 2011 - 2013 đã ghi nhận những điểm sáng của CSTK và CSTT. Từ năm 2011 đến nửa đầu năm 2012, CSTT được điều hành theo hướng tập trung vào chính sách lãi suất, với việc hạ lãi suất cho vay và quay lại việc áp dụng trần lãi suất huy động để kiểm soát và kiềm chế lạm phát. Cách đây 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự báo: Lạm phát cho cả năm 2013 là khoảng 7% nên đã áp trần lãi suất huy động về mức 7%. Chính sách này được đánh giá là khá hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và vi mô. Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho biết: Mức lãi suất huy động 7% áp dụng như hiện nay là khá hợp lý so với chỉ số CPI năm nay (CPI năm 2013 tăng 6,04% so với tháng 12/2012).

 

Tăng trưởng tín dụng thực chất sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Trần Việt - TTXVN


Theo NHNN, chỉ trong vòng 2 năm, lãi suất cho vay đã giảm từ mức 20 - 25% về mặt bằng lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006. Theo đó, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên chỉ từ 7 - 9%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 9 - 11,5% (ngắn hạn) và 11,5 - 13%/năm (trung hạn và dài hạn); những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh được vay với lãi suất từ 6,5% - 7%/năm. Trong hơn 2 năm qua, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến ổn định, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lý đều được đáp ứng đầy đủ thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bản chất của CSTT là kiểm soát cung tiền hoặc lãi suất nhằm duy trì mức lạm phát mục tiêu và góp phần tăng trưởng kinh tế. CSTK kiểm soát việc chi tiêu công và có trách nhiệm đảm bảo các khoản chi tiêu đó đem lại hiệu quả. Đây là nhân tố quyết định đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo nền tảng cho CSTT phát huy hiệu lực. Vì vậy, thiếu điều kiện nền tảng này, các điều tiết mở rộng hay thu hẹp CSTK thực chất không đem lại kết quả bền vững, ngược lại, CSTT có thể phải “gánh” cho những vấn đề của CSTK.


Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT) Cao Viết Sinh nhận định: Chính sách điều tiết của NHNN thời gian qua cũng khiến giao dịch vàng và đôla giảm, nhưng không có nghĩa là nền kinh tế không còn bị đôla hóa. Đôla, vàng có thể vẫn nằm trong dân như phương tiện tích trữ. Vấn đề đặt ra, theo ông Sinh, là làm sao phải huy động được nguồn dự trữ này để đưa vào nền kinh tế.


Kết hợp hài hòa và chặt chẽ

Theo PGS.TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển (Bộ KH - ĐT) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện CSTT linh hoạt, CSTK chặt chẽ trong hai năm tới, khi đã chấp thuận nới tỉ lệ bội chi ngân sách lên 5,3% GDP và cho phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ 170.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2014 - 2016. Theo đó, NHNN khẩn trương xây dựng và triển khai khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu. Khi có sự xung đột giữa các mục tiêu kiềm chế, NHNN được phép theo đuổi mục tiêu ưu tiên số một là lạm phát.


Còn theo TS Trịnh Quang Anh (Học viện Chính sách và phát triển), sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa CSTK và CSTT càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi ngân sách nhà nước gia tăng mức bội chi và Bộ Tài chính phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ với nơi hấp thụ chủ yếu là hệ thống ngân hàng. “NHNN cần đảm bảo cung ứng đủ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, khích lệ hệ thống đáp ứng đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhưng không được làm gia tăng áp lực lạm phát; đồng thời phải tạo điều kiện cho Bộ Tài chính phát hành thành công tín phiếu và trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch 2014 - 2015”, ông Quang Anh phân tích.


Theo ông Đào Văn Hùng, giai đoạn 2014 - 2015, việc phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa CSTK và CSTT là vô cùng quan trọng để huy động được vàng, đô la và các nguồn lực trong dân cho mục tiêu phát triển kinh tế, chứ không để các nguồn lực này nằm im trong dân, trong ngân hàng. “Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi mà trong 2 năm tới, tỷ lệ bội chi ngân sách được nới rộng và trái phiếu Chính phủ sẽ được phát hành thêm”, ông Hùng cho biết.


Đề cập đến sự phối hợp CSTT và CSTK để kiềm chế lạm phát, ông Phạm Sỹ An, Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: Cần phải có sự phối hợp khéo léo và tinh tế. Nếu bối cảnh lạm phát cao và tăng trưởng thấp, CSTT cần phải thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Bởi lãi suất cao sẽ tác động đến hoạt động vay vốn, đầu tư của doanh nghiệp và hoạt động tiêu dùng. Theo ông An, CSTT chỉ giải quyết được một mặt của vấn đề, tức là chỉ làm giảm lạm phát. Vì vậy, sự phối hợp của CSTK mở rộng có thể sẽ bù đắp phần nào tác động tiêu cực của việc lãi suất tăng. Chính phủ có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thực hiện các hỗ trợ cần thiết khác cho khu vực doanh nghiệp.


Một số chuyên gia kinh tế dự báo, trong năm 2014, nền kinh tế còn tiếp tục khó khăn. Để đảm bảo duy trì các khoản chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển không bị hụt lớn, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn năm 2013, chắc chắn không thể cắt giảm mạnh chi ngân sách. Trong bối cảnh đó, CSTT sẽ phải hỗ trợ CSTK nhiều hơn, nhằm đảm bảo cân đối thu - chi hợp lý cho nền kinh tế. Theo đó, CSTT cần tính đến phương án ứng vốn cho nền kinh tế trong những thời điểm cụ thể, để phần nào bù đắp nguy cơ hụt thu ngân sách.


Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN