Phiên họp thứ 26 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII: Tập trung xây dựng pháp luật

Từ 10/3, tại Hà Nội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã tiến hành Phiên họp thứ 26 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phiên họp dự kiến kéo dài đến hết ngày 14/3 với nội dung chính là công tác xây dựng pháp luật.

 

Góp ý kiến các dự luật quan trọng


Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là phiên họp quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp quan trọng triển khai các công tác pháp luật, liên quan đến thi hành Hiến pháp nhằm bảo đảm đưa Hiến pháp vào cuộc sống.

 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các UV Ban TVQH phải bám sát tinh thần mỗi dự án Luật, việc đầu tiên là bám sát Hiến pháp. Ảnh: Phương Hoa


Tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Căn cước công dân; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).
UBTVQH cũng cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Hải quan (sửa đổi); cho ý kiến về Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân.


Các đại biểu tập trung thảo luận phương án phân bổ vốn trái phiếu chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015 cần rà soát lại; việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII cũng là những nội dung quan trọng được UBTVQH thảo luận trong phiên họp thứ 26.


Mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản, đa dạng loại hình nhà ở


Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung mới, đáng chú ý là mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.


Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh theo các hình thức: Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; Mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật; Thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại... Dự thảo luật cũng mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai và bỏ quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch.

UBTVQH cho ý kiến: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào cuối tháng 5 tới, Quốc hội sẽ tạm dừng, không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 7. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Kỳ họp thứ 7 chỉ tạm dừng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội để tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, rút kinh nghiệm, sửa đổi Nghị quyết nhằm đem lại hiệu quả cao hơn khi tiếp tục triển khai trong thời gian tiếp theo.


Trình bày dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh trong sửa đổi Luật Nhà ở, việc phát triển nhà ở phải được thể hiện trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tuân thủ quy hoạch, chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của mỗi địa phương; phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở, bao gồm nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ; nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng trong xã hội; tăng cường sự quản lý thống nhất của trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch trong phát triển và quản lý sử dụng nhà ở…


Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật được mở rộng, theo đó ngoài nhà ở riêng lẻ thì các công trình xây dựng để khai thác, cho thuê, như ký túc xá của sinh viên, công nhân, khách sạn, nhà nghỉ trong khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng, phục vụ thể thao và trong các khu dân cư hiện hữu, thậm chí doanh trại quân đội, doanh trại công an đều được coi là nhà ở và chịu sự điều chỉnh của Luật này.


Cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân, UBTVQH nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân, và cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân đã được ban hành từ năm 1976, trên thực tế đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Việc xây dựng và ban hành Luật Căn cước công dân nhằm luật hóa những quy phạm pháp luật đã được thực hiện ổn định, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư theo hướng đơn giản, hiện đại, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.

 

PV(tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN