Phép thử cho chính sách đối ngoại mới của Đức

Chính phủ liên bang và Tổng thống Đức đã công bố chính sách đối ngoại mới và Nga sẽ là phép thử đầu tiên. Liệu Berlin đã sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại gây tốn kém hay không?

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tới dự Hội nghị Ngoại trưởng EU ở Brussels ngày 3/3.

Khi người dân Crimea đồng ý sáp nhập vào Nga, từ ngày 17/3 Đức sẽ phải chứng minh chính sách can dự quốc tế như đã tuyên bố. Đức sẽ lựa chọn hình thức trừng phạt ra sao và Berlin sẽ vận dụng như thế nào với thứ vũ khí sắc bén nhất - vị thế mạnh mẽ trong nền thương mại toàn cầu.


Vài tuần trước, chiến lược của Berlin đã được tuyên bố tại Hội nghị An ninh München, tuy còn mơ hồ song quyết liệt theo hướng mới. Bộ trưởng Quốc phòng liên bang Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Đức có nghĩa vụ góp phần vào việc từng bước giải quyết các cuộc khủng hoảng và xung đột". Tổng thống Đức Joachim Gauck cũng tuyên bố: "Đức phải sẵn sàng hành động nhiều hơn cho các vấn đề an ninh sau nhiều thập kỷ qua". Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier thì cho rằng Đức không nên chỉ dè dặt mà phải cân nhắc một cách tích cực và sáng tạo hơn về việc nên sử dụng các công cụ ngoại giao của mình như thế nào. Trong số các công cụ này tất nhiên có biện pháp trừng phạt thương mại. Ở cấp quốc tế, Đức - quốc gia chiếm vị trí xuất nhập khẩu lớn thứ ba thế giới, không có công cụ sức mạnh tiềm tàng nào khác.


Nga và các nước trước đây thuộc Liên bang Xôviết chiếm tới 45 tỷ euro lượng hàng xuất khẩu hàng năm của Đức. Nhập khẩu từ các nước này thậm chí còn cao hơn, tới 50 tỷ euro. Với Đức, Nga là đối tác thương mại còn quan trọng hơn cả những cường quốc kinh tế của thế giới như Nhật Bản, Brazil và Ấn Độ cộng lại. Với Trung Quốc, mối quan hệ của Đức còn mạnh mẽ hơn so với các nước láng giềng châu Âu lớn như Italy hay Anh.


Trong mối quan hệ thương mại rộng lớn như vậy, Chính phủ liên bang có công cụ gì trong tay? Nếu chỉ đe dọa hạn chế nhập khẩu hoặc cầm chừng xuất khẩu là đã có thể có hiệu quả về chính trị. Một số nước khác, nhất là Mỹ, rất ưa công cụ này, trong khi Đức trái lại thường tỏ ra dè dặt với các biện pháp trừng phạt thương mại. Trong vấn đề Crimea, Washington kêu gọi phương Tây nhanh chóng đưa ra các biện pháp trừng phạt, song Đức lại kiềm chế. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 20 và 21/3 này, chủ đề nêu trên sẽ được đưa ra thảo luận chính tại hội nghị.


Khi Đức muốn đóng một vai trò trên trường quốc tế, Berlin sẽ không thể không lấy thương mại làm dụng cụ gây áp lực, ngay cả việc đó đi ngược lại mong muốn của các nhà lãnh đạo kinh tế Đức.


Xung đột không chỉ rình rập xung quanh cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Giả sử căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc với Nhật Bản vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thì tình hình sẽ mở rộng thành một cuộc xung đột có sự can dự của Mỹ. Trong trường hợp đó, Đức sẽ xử trí ra sao? Liệu Đức có đứng về phía đồng minh phương Tây mà áp đặt trừng phạt. Chống lại Trung Quốc là chống lại thị trường xuất khẩu quan trọng nhất ngoài châu Âu của Đức. Quốc gia mà các tập đoàn của Đức, từ Adidas tới Volkswagen, đầu tư làm ăn rất lớn. Và như vậy, cái giá mà Đức phải trả sẽ rất đắt.


Từ lâu, Đức đã trở thành quốc gia xuất khẩu quan trọng nhất về tư liệu sản xuất, những chiếc ô tô sang trọng và công nghệ công nghiệp cho các nước mới nổi. Điều này đã giúp Đức trở thành nước có thặng dư thương mại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vị thế này không phù hợp với tham vọng mới về chính sách đối ngoại, bởi những tham vọng đó sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế trong nước.


Mạnh Hùng (Theo báo "Tấm gương")

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN