Phát huy hiệu quả công tác an sinh xã hội

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, thời gian qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã tăng cường nguồn vốn, tập trung cho vay các chương trình tín dụng chính sách ở 62 huyện nghèo. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tại các huyện nghèo hàng năm đều lớn hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước.


Thắm đẫm nghĩa tình


Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết: Trong giai đoạn 2009-2012, NHCSXH đã cho vay các chương trình tín dụng chính sách ở 62 huyện nghèo gần 11.600 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2013 là 1.196 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ đến 30/6/2013 tại 62 huyện nghèo đạt 9.200 tỷ đồng với trên 470.000 khách hàng còn dư nợ. Trong đó có hai chương trình tín dụng được thực hiện tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.

Thứ nhất, chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo tại các huyện 30a với mức cho vay tối đa là 5 triệu đồng/hộ, thời hạn vay ưu đãi lãi suất tối đa là hai năm với mức lãi suất 0% để hỗ trợ cho hộ nghèo có vốn để chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và phát triển ngành nghề. Thứ hai, chương trình cho vay đi xuất khẩu lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH cho vay đối với hộ nghèo và dân tộc thiểu số lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo. Mức cho vay áp dụng cho từng thị trường theo qui định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đến 30/6/2013, doanh số cho vay theo chương trình xuất khẩu lao động đạt 172 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 84 tỷ đồng và dư nợ đạt 88 tỷ đồng.

Nhờ nguồn vốn của NHCSXH nhiều hộ nghèo xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) được vay vốn ưu đãi làm nghề phụ, cho thu nhập ổn định.
Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Theo đánh giá của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương, trong 5 năm qua, công tác an sinh xã hội luôn được các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp trung ương chú trọng và đạt được nhiều kết quả. Với phương châm: Mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ, ưu tiên cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, mở rộng địa bàn đến vùng sâu, vùng xa, vùng có vị trí trọng điểm về an ninh quốc phòng, đa dạng hóa hình thức và nội dung tài trợ, tài trợ trực tiếp đến đúng đối tượng, đúng mục đích để phát huy tối đa hiệu quả của công tác an sinh xã hội.


Hưởng ứng, tham gia các chương trình, phong trào thực hiện chính sách an sinh xã hội, từ năm 2008-2012, cán bộ, công nhân viên trong hệ thống NHCSXH đã ủng hộ người nghèo, xã nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, khắc phục hậu quả thiên tai… với số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng. Đặc biệt công đoàn NHCSXH đã vận động đoàn viên ủng hộ tiền lương để thực hiện chương trình “Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ” và đã quy tập được 114 hài cốt liệt sĩ tại các tỉnh trong cả nước. Công tác an sinh xã hội tại các đơn vị luôn được chú trọng, 100% các chi nhánh trong toàn hệ thống NHCSXH ký thỏa ước lao động tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động, theo đó người lao động được bảo đảm về việc làm, tiền lương, BHXH, BHYT, thu nhập bình quân của người lao động trong những năm qua đạt 12 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc tích cực hưởng ứng, tham gia các chương trình, phong trào thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với cộng đồng, đoàn viên công đoàn NHCSXH còn quan tâm giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong học tập, công việc và đời sống, đặc biệt là khi gặp khó khăn, hoạn nạn; hỗ trợ đoàn viên công đoàn bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn; xây dựng “Mái ấm công đoàn”… với số tiền hàng tỷ đồng.


Đồng hành cùng vùng khó


Trong công tác thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân ở các huyện nghèo, trong 4 năm qua NHCSXH đã tập trung nguồn vốn tín dụng, ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, trong đó có chương trình cho vay hộ nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay học sinh, sinh viên và cho vay giải quyết việc làm với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng.


Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, cùng với việc tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư cho các huyện nghèo, NHCSXH đã tăng cường đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện làm việc cho Phòng giao dịch NHCSXH tại các huyện nghèo, thông qua chính sách khuyến khích về tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ đến công tác tại các Phòng giao dịch NHCSXH huyện nghèo.

Trong bốn năm gần đây, NHCSXH đã tăng cường 175 cán bộ, thực hiện luân chuyển, điều động 9 cán bộ về làm cán bộ lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH, mở 37 lớp với 1.650 lượt cán bộ, viên chức được đào tạo, đào tạo lại. Áp dụng một số chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, viên chức làm việc tại 62 huyện nghèo, phối hợp với các tổ chức Hội nhận ủy thác tổ chức 5.750 buổi học với 61.850 lượt học viên là cán bộ hội cấp xã, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ chuyên trách của Ban xóa đói giảm nghèo xã tham gia. Đầu tư xây dựng mới và cải tạo sửa chữa các công trình trụ sở làm việc Phòng giao dịch NHCSXH tại các huyện nghèo có trụ sở làm việc khang trang, đảm bảo an toàn trong hoạt động… Nhờ có nguồn kinh phí của NHCSXH giúp đỡ mà con em nhân dân các dân tộc xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), Bản Già, huyện Bắc Hà (Lào Cai), Mường Nhé (Điện Biên)… đã được ngồi học trong những lớp học khang trang.


Thông qua sự đồng hành cùng vùng khó, thực hiện an sinh xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng đã góp phần đáng kể, thiết thực giúp một bộ phận dân cư, cộng đồng trong 62 huyện nghèo của cả nước cải thiện được nơi ăn ở, sinh hoạt, phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm. Cũng nhờ đó mà người dân ở các huyện nghèo đã nâng cao nhận thức, kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất; cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt cho học sinh và giáo viên ở một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang còn nhiều khó khăn, góp phần nhanh thực hiện được các mục tiêu mà Nghị quyết 30a của Chính phủ đã đề ra.


V.T

Hoạt động của các Ban Chỉ đạo

* Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 6320/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân về việc đầu tư, hỗ trợ radio cho đồng bào vùng khó khăn thuộc vùng Tây Nam Bộ và tỉnh Nghệ An, theo đề nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND tỉnh Nghệ An. Phó Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Nghệ An tiến hành khảo sát, đánh giá để có giải pháp lồng ghép, triển khai việc hỗ trợ radio cho đồng bào ở các vùng khó khăn trong Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ và tỉnh Nghệ An, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 30/9/2013.

* Ban Chỉ đạo Tây Bắc vừa tổ chức Lễ công bố quyết định số 851-QĐNS/TW, ngày 5/7/2013 của Ban Bí thư về việc điều động, bố trí cán bộ. Theo Quyết định, đồng chí Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nay thôi giữ chức Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chuyển công tác về Ban Chỉ đạo Tây Bắc và giữ chức Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc.

* Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, trong các ngày từ 1 - 4/8/2013, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã bố trí để Bệnh viện Trẻ em thành phố Hải Phòng tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho trẻ em (đợt II) tại 2 xã của huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Trong số trên 450 trẻ em được khám bệnh, phát thuốc miễn phí, đã có 50 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Bệnh viện tặng quà, mỗi phần quà trị giá trên 300.000 đồng. Trước đó, vào năm 2012, Bệnh viện trẻ em thành phố Hải Phòng đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 350 cháu và tặng quà 30 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái.

* Ban chỉ đạo Tây Nguyên vừa có buổi làm việc với Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về công tác quy hoạch, đầu tư phát triển thủy điện khu vực Tây Nguyên và các vùng phụ cận. Đánh giá khái quát về tình hình quy hoạch, đầu tư phát triển thủy điện khu vực Tây Nguyên, đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định đây là khu vực có tiềm năng lớn để phát triển thủy điện. Các dự án thủy điện do EVN làm chủ đầu tư và góp vốn đầu tư tại Tây Nguyên đều được EVN đảm bảo đúng trình tự đầu tư xây dựng theo các quy định hiện hành.

* Vừa qua, Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Công văn 588/TTg-ĐP (gọi tắt là Chương trình 588) và Nghị quyết 30a của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đánh giá tình hình triển khai các dự án thủy điện, tái định cư ở miền núi.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa phối hợp với Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu và Kiên Giang tổ chức họp mặt, tuyên truyền cho 600 đồng bào, sư sãi và Ban Quản trị các chùa là người dân tộc Khmer thuộc các tỉnh nêu trên. Tại các buổi họp mặt, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã khẳng định tính nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về chính sách đại đoàn kết dân tộc; đồng thời cũng khẳng định vai trò, trách nhiệm của đồng bào dân tộc, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế…

Thu Hồng - Ngọc Đức - Bích Liên - Xuân Quang


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN