Những thủ đoạn “bẩn” trên chính trường Mỹ

Chính trường Mỹ lâu nay vẫn nổi tiếng với các màn ganh đua trực tiếp giữa các ứng cử viên tổng thống hoặc giữa bộ sậu tranh cử của 2 đảng đối lập Dân chủ và Cộng hòa. Đằng sau các chiến dịch tranh cử chống đối nhau đơn thuần, hai bên thường tung ra những thủ đoạn chính trị, thậm chí là những thủ đoạn “bẩn”, nhằm triệt hạ uy tín đối phương.

 

John F. Kennedy tăng “sức nóng”


Cuộc chạy đua tới chiếc ghế tổng thống Mỹ năm 1960 giữa thượng nghị sĩ John F. Kennedy và Phó Tổng thống Richard Nixon là một trong những cuộc tranh đua sít sao nhất trong lịch sử. Nó cũng đáng chú ý vì đây là cuộc bầu cử đầu tiên mà truyền hình đóng vai trò quyết định trong xác định người chiến thắng.

Cuộc tranh luận trên truyền hình giữa Kennedy và Nixon năm 1960.


Nixon và Kennedy đã đồng ý tham dự một loạt các cuộc tranh luận trên truyền hình, lần đầu tiên được phát trực tiếp. Kennedy đã sử dụng loại phương tiện mới này rất hiệu quả tại cuộc chạy đua giành ghế quốc hội bang Massachusetts. Nhóm vận động tranh cử của ông đã biết cách tận dụng ưu thế “ăn hình” nhằm tối ưu hóa vẻ hấp dẫn của ông. Ngược lại, Nixon tuy đã từng vài lần xuất hiện trên truyền hình khi là phó tổng thống, nhưng ê kíp của ông chưa bao giờ tận dụng phương tiện này trong một cuộc tranh cử.


Trước cuộc tranh luận đầu tiên vào ngày 26/9/1960, các ứng cử viên đã nhất trí không trang điểm. Nhưng cả Kennedy lẫn Nixon đều phá vỡ thỏa thuận này theo cách rất khác nhau. Kennedy được đánh một lớp phấn trước khi lên hình, còn Nixon sử dụng một sản phẩm để che mờ một sợi râu của ông.
Ngoài ra, nhóm của Nixon biết rằng ứng của viên của họ rất dễ đổ mồ hôi, do đó đã đặt nhiệt độ phòng ở mức mát mẻ. Nhưng đội của Kennedy cũng biết điều đó và đã bí mật tăng nhiệt độ lên vài độ. Khi những chiếc máy quay bắt đầu chạy, sự khác biệt giữa hai ứng cử viên là quá rõ ràng đối với khán giả xem truyền hình. Kennedy tỏ ra thoải mái và đầy sức sống, trong khi Nixon, dù chỉ hơn đối thủ 4 tuổi, đổ mồ hôi như tắm và liên tục phải lau mặt bằng khăn tay.

John McCain trong một lần phát biểu.


Cuộc tranh luận đã được 70 triệu người theo dõi, và sau đó kết quả bầu cử cho thấy hơn một nửa số cử tri đã bị ảnh hưởng bởi màn trình diễn của các ứng cử viên trong buổi tranh luận này. Các nhà khoa học chính trị vẫn tranh cãi về tác động của diễn biến đó, nhưng việc Kennedy giành thắng lợi khi chỉ hơn 100.000 phiếu, có lẽ một vài độ trên máy điều hòa đã tạo ra sự khác biệt.


Tin đồn về John McCain


Đầu năm 2000, các đối thủ hàng đầu cho vị trí ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa là Thống đốc bang Texas George W. Bush và thượng nghị sĩ John McCain bang Arizona. Bush có nhiều tiền tài trợ hơn và nhận được sự ủng hộ của đảng, nhưng chiến dịch của McCain đã thành công trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên ở New Hampshire, hơn Bush 19 điểm. Cuộc bầu cử sơ bộ thứ hai được tổ chức ở Nam Carolina và nếu Bush thất bại tại đó, ông sẽ không được ứng cử.


Trong chiến dịch của Bush có một chuyên gia hàng đầu là Karl Rove, một người nổi tiếng với cách tiếp cận dữ dội trong hoạt động tranh cử.


Vũ khí mà Rove chọn chống lại McCain là một thủ đoạn bôi nhọ. Chiến dịch bôi nhọ có mục đích là tung ra tin đồn tiêu cực về đối thủ sao cho nó không bị lần ra dấu vết. Hai tuần trước cuộc bầu cử, các tờ rơi bỗng xuất hiện sau những tấm kính chắn gió xe ô tô đỗ bên ngoài các điểm diễn ra tranh luận của ứng cử viên, trên đó có hình ông McCain và cô con gái nuôi người Bangladesh. Mục đích của những tờ rơi là gán cho ông một đứa con gái hoang gốc Phi, một điều có thể khiến ông mất nhiều phiếu ở một bang vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi lịch sử phân biệt chủng tộc tồi tệ.


Sau đó còn có những người tự xưng là nhân viên thăm dò ý kiến gọi điện tới các đảng viên Cộng hòa địa phương và hỏi rằng liệu họ có bỏ phiếu cho McCain nếu tâm thần ông không được ổn định do đã tham chiến ở Việt Nam. McCain tức giận với những cuộc tấn công này đến nỗi ông đã đến gặp trực tiếp Bush để đề nghị chấm dứt hành động đó, nhưng Bush chối bỏ cáo buộc đứng đằng sau các chiến dịch thông tin “bẩn” này. Vào ngày bầu cử, McCain đã đánh mất thế dẫn đầu và Bush giành chiến thắng với hơn 11 điểm. Nhận thấy không thể trở thành ứng cử viên của đảng, McCain đã từ bỏ cuộc đua, nhưng ông không bao giờ tha thứ cho Bush về những cuộc đả kích gia đình và quãng thời gian tham gia chiến tranh của ông.


Trần Anh


(còn tiếp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN