Những người gắn bó với “ngôi nhà” trên biển - Bài 1: Chiến sỹ hải quân đa năng

Với người lính hải quân, nếu biển cả là quê hương thì con tàu được xem như ngôi nhà của họ. Loạt bài viết dưới đây chỉ là một vài nét khắc họa về cuộc sống cũng như công việc của những cán bộ chiến sỹ đã và đang làm việc tại HQ-561, con tàu quân y hiện đại đầu tiên của Việt Nam.


Bài 1: Chiến sỹ hải quân đa năng


Các anh đều là những cán bộ, chiến sỹ được đào tạo nghiệp vụ bài bản của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. Tuy nhiên, khi được phân phụ trách công tác hậu cần, phục vụ các chiến sỹ trên tàu hay các đoàn công tác từ đất liền tới thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, họ sẵn sàng vào bếp như những đầu bếp chuyên nghiệp.

 

“Anh nuôi” của tàu HQ-561


Đây là cách gọi ví von mà những chiến sỹ hải quân dành cho Nguyễn Đức Hà sinh năm 1980 (quê Nghệ An). Trước khi nhận nhiệm vụ trên con tàu HQ-561 từ tháng 10/2012, Đức Hà từng học ngành quản lý tài chính tại Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân (phường Cát Lái, quận 2, TP Hồ Chí Minh). Hiện nay, ngoài công việc tính toán thu chi, lên kế hoạch mua, bán thực phẩm; nhận cấp quân trang, làm sổ sách để lĩnh và phát tiền lương cho các chiến sỹ, Hà còn kiêm nhiệm vai trò là bếp trưởng trên tàu.

Bếp trưởng Nguyễn Đức Hà.


Hà chia sẻ với chúng tôi: “Trước khi làm việc tại tàu HQ-561, tôi công tác tại đảo Phan Vinh, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Khi về HQ-561 làm hậu cần, do tàu chưa có bếp trưởng nên tôi trở thành người nấu ăn chính cho các chiến sỹ với vốn kiến thức nấu ăn phần lớn do tự học”.


Không giấu niềm tự hào khi được làm việc trên con tàu quân y hiện đại đầu tiên của Việt Nam, Hà cho biết, kho dự trữ lương thực, thực phẩm của tàu HQ-561 có thể cung ứng thực phẩm cho các chiến sỹ trong thời gian 3 tháng. Tất cả những sản phẩm này đều được mua từ siêu thị uy tín trên đất liền để đảm bảo chất lượng cũng như thời hạn bảo quản. Hầm lạnh để bảo quản thực phẩm tươi sống trong tàu luôn ở nhiệt độ âm 18 độ C, còn rau củ quả là 4 độ C. Khác với những con tàu khác, bếp nấu ăn của con tàu này sử dụng điện, thay vì dầu.


Thăm một số hầm lạnh chứa lượng thực phẩm dồi dào, tôi không khỏi ngạc nhiên vì hệ thống, kho chứa bảo quản hiện đại và sạch sẽ. Từng ngăn để trứng, rau hay những hộp thịt đều được tổ bếp sắp xếp gọn gàng và khoa học. “Các chiến sỹ đều được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có hoa quả tráng miệng sau bữa chính để đảm bảo sức khỏe công tác”, Hà nói.


Chia sẻ với phóng viên Tin tức, Hà cho biết: Mọi việc nghe có vẻ rất dễ dàng nhưng khi tàu di chuyển vào những vùng có thời tiết bất thường, gặp sóng to vào mùa biển động (từ tháng 8 tới hết tháng 1 năm sau) thì công việc bếp núc của các anh không hề đơn giản. Khi đó, Hà và anh Hữu Lộc (Nghệ An) phải vật lộn với xoong nồi để chế biến đồ ăn cho vài chục con người. “Hai anh em vừa nấu, vừa giữ nồi và đứng sao cho thật vững để làm việc. Có những lúc choáng váng vì say sóng nhưng chúng tôi vẫn phải gắng sức để đảm bảo bữa ăn cho các chiến sỹ đúng giờ”, Hà chia sẻ.


Trao đổi với phóng viên Tin tức, chiến sỹ Lê Ngọc Hà, Tàu HQ-561 vui vẻ nói: “Nhờ có anh nuôi mà chúng tôi có được những bữa cơm ngon, ấm áp hàng ngày. Chúng tôi luôn được chăm sóc rất chu đáo, khiến tình cảm anh em trên tàu càng thêm gắn bó, có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ trên biển”.

 

Lính hậu cần “không chuyên”


Đoàn công tác của chúng tôi kết thúc chuyến hành trình Trường Sa vào một ngày cuối tháng 4/2013. Điều khiến tôi nhớ mãi là hình ảnh của những cán bộ, chiến sỹ hải quân được điều động sang tổ hậu cần để phục vụ đoàn công tác trên con tàu HQ-561. Số lượng đoàn công tác của chúng tôi lên tới gần 200 người trong khi tổ hậu cần chỉ có 15 cán bộ chiến sỹ. Họ phải nấu nướng dưới tiết trời oi ả và nhiệt độ trong lò nấu nóng ran.

Tổ phục vụ đoàn công tác.


Tổ trưởng tổ hậu cần, anh Trần Nguyên Tuyên cho biết: Các chiến sỹ thuộc tổ hậu cần đều đang công tác tại các chuyên ngành quân sự ở các đơn vị tàu chiến, Vùng 4 Hải quân. Trong đó có 3 người nấu bếp chính là: Anh Nguyễn Đức Thông, hiện phụ trách tên lửa tại tàu HQ-374, Lữ đoàn 162; anh Trần Văn Long và Phạm Ngọc Oanh, phụ trách ra đa, pháo tàu của tàu Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng. Những chiến sỹ còn lại cũng đảm đương các công việc tương tự trong đó có cả ngành dược.


“Lý do được đơn vị chọn đi phục vụ các đoàn công tác là khả năng chịu sóng ở mức tốt, nhanh nhẹn, biết nấu ăn, khả năng thích ứng các công việc khác nhau, đặc biệt là tinh thần, thái độ phải cởi mở”, anh Nguyễn Văn Lung (Nam Định), công tác tại tàu HQ-373 chia sẻ với phóng viên Tin tức. Đây là năm đầu tiên, anh Lung được cắt cử sang tàu HQ-561 để phục vụ các đoàn công tác.


Sau mỗi ngày làm việc tại các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa, tôi và phóng viên Minh Loan - kênh InfoTV (Truyền hình Cáp Việt Nam) lại tranh thủ xuống bếp phụ giúp các anh những công việc vặt như: nhặt rau, bóc hành, tỏi trong nhịp lắc lư của con tàu. Những lưng áo ướt đẫm mồ hôi, những gương mặt đỏ au vì nóng do đứng bếp nhưng các anh vẫn luôn nở nụ cười và hăng say làm việc.


Bài và ảnh:Minh Phương

Bài cuối: Những người nắm giữ “nhịp đập” con tàu

Những người gắn bó với “ngôi nhà” trên biển - Bài cuối: Những người nắm giữ “nhịp đập” con tàu
Những người gắn bó với “ngôi nhà” trên biển - Bài cuối: Những người nắm giữ “nhịp đập” con tàu

Con tàu được vận hành luôn có sự góp sức của tất cả các chiến sỹ trên tàu; Trong đó quan trọng nhất người chỉ huy, được xem là “đầu tàu” - thuyền trưởng Nguyễn Văn Cường và người nắm giữ “nhịp đập” để máy tàu luôn hoạt động suôn sẻ là trưởng ngành cơ điện - Nguyễn Văn Tuấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN