Nhiều chính sách thiết thực để thu hút nhân tài

Nghị quyết về việc trọng dụng nhân tài, cụ thể hóa khoản 2, Điều 13, Luật Thủ đô vừa được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua, đã thực sự tạo ra luồng gió mới cho công tác thu hút nhân tài của Thủ đô.


Tạo luồng gió mới


Không phải đến thời điểm này thành phố Hà Nội mới có chính sách để thu hút nhân tài. Triển khai Pháp lệnh Thủ đô và Nghị quyết số 29/2002/NQ - HĐND về thu hút nhân tài, trong gần 10 năm qua, đã có 223 tài năng trẻ, trong đó có 103 thủ khoa xuất sắc, về công tác tại các sở, ban ngành của thành phố. Phần lớn trong số này đã phát huy năng lực sở trường, nhất là lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục và có người được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo cấp phòng.


Những thủ khoa xuất sắc là một trong số các đối tượng thuộc chương trình thu hút nhân tài của Hà Nội.

 

Tuy nhiên, nếu so sánh số lượng nhân tài đã được thu hút về Thủ đô với con số hơn 1.000 thủ khoa các trường đại học được tôn vinh trong gần 10 năm qua, thì kết quả trên thật sự còn rất... khiêm tốn. Chưa kể việc những tài năng này chủ yếu tập trung ở khối văn hóa, thể thao. Các lĩnh vực như khoa học công nghệ, quy hoạch kiến trúc, giao thông đô thị, công nghệ thông tin... hầu như vẫn còn "lực bất tòng tâm".


Đối tượng nhân tài của Hà Nội bao gồm: Sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy xuất sắc, thủ khoa cho đến các tiến sĩ, bác sĩ, giáo viên, giảng viên, vận động viên, văn nghệ sĩ đến các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân... Các nhân tài phải cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội tối thiểu 7 năm; nếu vi phạm cam kết, phải bồi thường toàn bộ các khoản kinh phí được hưởng.

Theo ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, là nơi có nhiều cơ quan, doanh nghiệp lớn, nên nhu cầu tuyển dụng những người tài của Thủ đô rất cao. Nhiều đơn vị thậm chí sẵn sàng đưa ra những mức đãi ngộ đầy hấp dẫn với người tài. Thế nhưng chính sách đãi ngộ của thành phố phải theo khung luật định, khiến các doanh nghiệp cũng bị "bó buộc". "Thực tế đã có bạn trẻ về làm việc tại các sở, ban ngành của Hà Nội một thời gian, rồi chuyển sang đơn vị khác vì chế độ hấp dẫn hơn", ông Sáng cho biết.


Xuất phát từ thực tế này và cũng nhằm "gỡ khó" cho các doanh nghiệp, các cơ quan, ban, ngành của Hà Nội, trong Nghị quyết mới đây về thu hút nhân tài, Hà Nội đã đưa ra những ưu đãi cụ thể và lớn hơn khá nhiều, như: Được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước; được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương cơ sở; được thuê, mua nhà ở theo chính sách ưu tiên của Nhà nước và của thành phố; được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học và được thành phố hỗ trợ kinh phí; chế độ thù lao xứng đáng...


Với các chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân... sẽ có những chính sách đặc biệt riêng như: Được tuyển đặc cách không qua thi tuyển công chức, hỗ trợ phương tiện đi lại, làm việc, nghiên cứu; bố trí nhà ở công vụ... Còn nếu có nhu cầu thuê, mua nhà, thì sẽ được ưu đãi theo chính sách ưu tiên của Nhà nước và thành phố.


Đi vào cuộc sống


“Chính sách đãi ngộ mới ra đời sẽ góp phần khắc phục những hạn chế lâu nay; bảo đảm cho thành phố có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, Hà Nội vừa thực hiện vừa điều chỉnh bổ sung để đáp ứng được mục tiêu thu hút, trọng dụng được người tài, có khả năng cống hiến thực sự đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Bên cạnh chế độ đãi ngộ bằng vật chất, Hà Nội cũng sẽ coi trọng các hình thức tôn vinh người tài”.

Ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội

Nghị quyết về thu hút nhân tài của Hà Nội được ví như một "luồng gió mới" với các tài năng trẻ hiện nay. Không hề do dự, Nguyễn Thị Thu Mến, một trong 5 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đăng ký về dạy tại Trường THPT chất lượng cao Lê Lợi (quận Hà Đông), dù có rất nhiều lời mời gọi tại các trường tư, trường quốc tế khác. Thu Mến cho biết: "Tôi muốn được cống hiến nhiều hơn cho Thủ đô. Dù biết mô hình trường chất lượng cao, sẽ đòi hỏi giáo viên phải năng động, nhiệt tình với công việc, phải nỗ lực rất nhiều, nhưng tôi vẫn quyết tâm đăng ký tham gia dạy tại trường".


Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT chất lượng cao Lê Lợi, đơn vị tiếp nhận Nguyễn Thị Thu Mến, cho biết: Đối với trường chất lượng cao, đội ngũ giáo viên có vai trò quyết định, vì vậy chúng tôi rất cần những nhân tài như Thu Mến. Nhà trường sẽ vận dụng các chế độ ưu đãi của Nghị quyết thu hút nhân tài vừa qua của HĐND. Theo đó chế độ đãi ngộ thông qua hiệu quả công việc, nhà trường phấn đấu trả lương, thưởng ban đầu gấp 5 lần mức lương giáo viên được hưởng.


Còn theo ông Nguyễn Quang Mộng, Giám đốc bệnh viện đa khoa Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ): “Nghị quyết về thu hút nhân tài hy vọng sẽ tạo luồng gió mới cho bệnh viện. Thực tế đáng buồn vì dù chỉ cách Hà Nội 30 km, nhưng 6 năm qua, bệnh viện Phúc Thọ không tìm nổi bác sĩ”.


Còn ông Nguyễn Thiên Tú, Phó Chủ tịch Hội sinh viên thành phố Hà Nội thừa nhận: “Thông qua chính sách thu hút nhân tài, Hà Nội sẽ tạo luồng gió mới thu hút nhiều thủ khoa, người tài làm việc tại cơ quan của Thủ đô. Chính vì vậy, chương trình tuyên dương thủ khoa năm nay, thành đoàn sẽ có khảo sát yêu cầu và mong muốn cụ thể của các thủ khoa, để từ đó kiến nghị cơ quan ban, ngành có chính sách thiết thực hơn”.

 

Ông Nguyễn Tùng Lâm, đại biểu HĐND Hà Nội: “Tuyển dụng căn cứ vào công việc cụ thể”

 

Mỗi cá nhân đều có sở trường, sở đoản riêng. Có những người không thích ứng với công việc ở cơ quan hành chính Nhà nước, nhưng lại rất thích hợp với môi trường nghiên cứu hoặc môi trường kinh doanh. Căn cứ vào hồ sơ dự tuyển tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải xem xét năng lực làm việc cụ thể, đề án hoặc công trình nghiên cứu cụ thể bởi học là một chuyện, công việc thực tế là chuyện khác.

 

Ông Nguyễn Đức Cảnh, Hiệu phó trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội: “Có chính sách đồng bộ”

 

Trường hiện có tới hơn nửa giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo nước ngoài về, nhưng hiện nay chỗ ở cho đối tượng này khó khăn. Nguyên nhân là do trường nằm trong vùng chưa được duyệt quy hoạch, nên chưa dám đầu tư cơ sở vật chất. Thành phố Hà Nội cần sớm có chính sách đồng bộ để việc thu hút nhân tài cho Thủ đô thực sự hiệu quả.

 

Chị Chu Hồng Minh, thủ khoa Đại học Văn hóa, năm 2006: “Quyền lợi đi đôi với trách nhiệm”

 

Đối tượng mà chính sách ưu đãi nhân tài vừa được HĐND thành phố Hà Nội thông qua được mở rộng hơn. Đây là những lĩnh vực Hà Nội đang có nhu cầu như bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp 2... Chính sách ưu đãi tập trung vào: Được tuyển vào biên chế, học nâng cao trình độ, thu nhập, ưu đãi mua nhà; đó là ước mơ của nhiều người. Tôi cũng kiến nghị cơ quan chủ quản nhìn nhận, đánh giá năng lực để bố trí đề bạt để người tài phấn đấu. Tuy nhiên, bên cạnh đòi hỏi quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm. Các cơ quan chức năng Hà Nội nên có sự rà soát việc thực thi chính sách trọng dụng nhân tài thời gian qua, từ đó rút ra kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót và có những tiêu chí cụ thể với từng lĩnh vực và sát với thực tiễn.

Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN