Nhật Bản đề xuất đối thoại về bất đồng ở Hoa Đông

Đối thoại là cách duy nhất để giải quyết bất đồng sau khi Trung Quốc thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) gây tranh cãi trên biển Hoa Đông. Đây là nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 9/1 khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn PTI của Ấn Độ.

Một chiếc Y12 của Trung Quốc bay trên vùng biển quốc tế phía bắc của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN


Bộ trưởng Onodera nhấn mạnh Ấn Độ và Nhật Bản coi Trung Quốc là nước láng giềng quan trọng và cả hai quốc gia này đều có những mối liên kết kinh tế quan trọng với Bắc Kinh. Tuy nhiên, những hành động gần đây của Trung Quốc liên quan tới tranh chấp lãnh hải - lãnh thổ buộc cộng đồng quốc tế phải gửi thông điệp tới quốc gia này. New Delhi và Tokyo phải đề nghị tiến hành đối thoại và yêu cầu Trung Quốc không được thay đổi hiện trạng thông qua sử dụng vũ lực. Những vấn đề này phải được giải quyết thông qua đối thoại và luật pháp quốc tế.


Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Onodera và người đồng cấp Ấn Độ A.K.Antony đã thảo luận tình hình an ninh khu vực trong bối cảnh căng thẳng gần đây giữa Nhật Bản và Trung Quốc sau khi Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Bộ trưởng Antony khẳng định New Delhi ủng hộ tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế và tuân thủ các công ước quốc tế. Ấn Độ nêu rõ vấn đề này phải được các bên hữu quan giải quyết thông qua đối thoại hòa bình, đồng thời phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết những bất đồng.


ADIZ trên biển Hoa Đông do Trung Quốc tuyên bố thành lập ngày 23/11 năm ngoái, quy định tất cả các máy bay qua lại khu vực này phải báo trước kế hoạch và nhiều yêu cầu khác, nếu không sẽ bị đe dọa an toàn.Việc này gây phản ứng mạnh từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Tokyo tuyên bố không chấp nhận vùng ADIZ bao trùm cả quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, trong khi Seoul phản đối vì cho rằng ADIZ này bao trùm một khu vực rộng lớn phần lãnh hải của Hàn Quốc.

Ngày 9/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần tới Trung Đông và châu Phi, trong nỗ lực tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia khu vực này, qua đó đảm bảo nguồn cung năng lượng cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản.


Minh Lý (p/v TTXVN tại Ấn Độ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN