Nhà mỏng, méo vì phát triển không đồng bộ

Nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn tồn tại trên những con đường đắt đỏ giữa Thủ đô là do quy hoạch đô thị chưa tốt. Người làm quy hoạch chỉ tập trung vào đường chính mà không quan tâm đến những vùng đất xung quanh. TS Phạm Sỹ Liêm (ảnh), Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Tin Tức.

´Thưa ông, nguyên nhân dẫn tới những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo ở Thủ đô là gì?


Theo tôi, nguyên nhân của thực trạng trên là do quy hoạch đô thị chưa tốt. Các thửa đất hai bên đường có một trật tự riêng của nó. Khi làm đường, các miếng đất không nhất thiết vuông góc với đường. Cho nên khi thiết kế, xây dựng một con đường, người làm quy hoạch phải sắp xếp lại các khu đất hai bên đường để nó trở nên vuông góc với đường. Đằng này, người ta chỉ lo làm con đường mà không lo việc sắp xếp các khoảnh đất hai bên đường khiến những khoảnh đất đó trở nên méo mó.


Việc không tuân thủ nguyên tắc bắt buộc trên cũng là vi phạm pháp luật vì theo điều 62 của Luật Quy hoạch đô thị quy định rõ: “Khi triển khai dự án phát triển các tuyến đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đồng thời tổ chức thu hồi đất hai bên đường theo quy hoạch, tổ chức đấu giá hoặc đầu thầu để lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật”.


Bên cạnh đó, thực trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại dai dẳng cũng do chính những người dân sinh sống tại vùng đất này. Theo quy định, những thửa đất có diện tích dưới 15 m2, hoặc chiều dài các cạnh dưới 3 m thì không được phép xây dựng nhưng nhiều người dân vẫn cố tình xây dựng do “tiếc của”, ích kỷ không muốn nhường mặt tiền bạc triệu cho nhà đằng sau. Người đằng sau trả cao, họ cũng không bán.

 

´Ông có thể lí giải tại sao thành phố Đà Nẵng lại quy hoạch được những con đường mới mở, ít xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo, thưa ông?


Tôi đã từng phát biểu rằng, làm con đường mới thì phải sắp xếp đất đai hai bên đường, không thể để lộn xộn được. Thế nhưng, có ý kiến nói không đủ tiền, tiền đền bù đã đắt lắm rồi, lại còn trả tiền đất hai bên đường thì tiến độ sẽ rất chậm. Nếu không sắp xếp hai bên đường, sau này sẽ sinh ra mâu thuẫn giữa những người có đất ở đó, người đằng trước với người đằng sau.


Sở dĩ Đà Nẵng làm được việc này vì ngay từ khâu quy hoạch, thành phố đã giải tỏa thêm 60 - 90 m hai bên đường để xây dựng lại theo quy hoạch và bán đấu giá cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, cũng như bố trí làm nhà tái định cư. Theo tôi, khi làm một con đường mới trong đô thị thì việc phát triển khu vực hai bên đường được xem là nguyên tắc để phát triển đô thị.

 

´Ông từng nhắc đến việc bố trí quỹ đất dự trữ để đền bù cho những hộ dân có diện tích quá nhỏ không đủ kiều kiện xây dựng. Đây có phải là một giải pháp khả thi tại Hà Nội không, thưa ông?


Nhà nước có thể sẽ phải tốn khoản chi phí không nhỏ để đền bù, xóa bỏ những căn nhà siêu mỏng, siêu méo vì những căn nhà mặt đường này có giá cao hơn nhiều so với khi chưa mở đường mới. Vì thế, có thể tạo một quỹ đất dự trữ trước khi có những quy hoạch về đất đai. Chúng tôi đã nghiên cứu, đề xuất với Hà Nội nên thực hiện chế độ dự trữ đất. Chính quyền đứng ra đền bù khi chưa có dự án, lấy một quỹ đất gọi là quỹ đất dự trữ để phát triển, đi đôi với quy hoạch tổng thể hai bên đường. Tôi xin nhấn mạnh rằng, cần phải có một tư lệnh chỉ huy chung để tránh tình trạng mở đường trước rồi mới chạy theo giải quyết hậu quả.


Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN