Nghịch lý gạo Thái Lan

Hàng trăm ngàn tấn gạo đang được buôn lậu từ Campuchia và Mianma sang Thái Lan, mặc dù Thái Lan có thể đáp ứng được một nửa nhu cầu thương mại hàng năm của thế giới bằng số gạo trong nước.

Nghịch lý trên xuất phát từ chương trình trợ giá gạo mà chính phủ Thái Lan đang áp dụng. Kể từ sau khi lên nắm quyền vào năm 2011, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đẩy mạnh chính sách trợ giá gạo cho nông dân. Tính đến thời điểm này, đã có 31,7 triệu tấn lúa gạo được chính phủ Thái Lan thu mua theo chương trình trợ giá với mức chi 490 tỷ bạt. Mục tiêu ban đầu mà chương trình trợ giá gạo này đặt ra là giúp nông dân Thái Lan tăng thêm thu nhập.

Một kho gạo ở tỉnh Ayutthava, phía bắc thủ đô Băngcốc, Thái Lan. Ảnh: Reuters


Theo đó, gạo nguyên cám được thu mua ở mức 15.000 bạt/tấn (khoảng 10 triệu đồng), lúa gạo hương nhài được thu mua ở mức 20.000 bạt/tấn. Như vậy, theo chương trình trợ giá gạo này, chính phủ Thái Lan sẽ mua gạo của nông dân với mức giá cao gần gấp đôi mức giá ở Campuchia và Mianma. Hậu quả là, nông dân và thương nhân ở những quốc gia láng giềng này đang cố lợi dụng điều này, tìm cách vận chuyển gạo qua biên giới để bán với giá cao hơn nhằm kiếm lời.


Theo thống kê của các nhà phân tích và thương nhân, có khoảng 750.000 tấn gạo thành phẩm đang được buôn lậu vào Thái Lan mỗi năm. Số gạo buôn lậu này chủ yếu đến từ hai quốc gia Campuchia và Mianma.


Thái Lan giáp Campuchia ở phía đông và không có đường biên giới tự nhiên nào như sông suối phân cách nên người dân càng dễ dàng đi lại giữa hai quốc gia này. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nạn buôn lậu gạo diễn ra không thể kiểm soát.


Noppadol Thetprasit, trưởng trạm kiểm tra hải quan ở quận Aranyaprathet, tỉnh Sa Kaeo nói: “Gạo được đưa đến Thái Lan trên những chiếc xe bò kéo của người dân và sau đó được chuyển sang những chiếc xe lớn hơn. Sau đó chúng được chuyển tới các tỉnh khác ở Thái Lan để bán lại”. Một số quan chức Thái Lan cho hay những kẻ buôn lậu thậm chí sử dụng cả xe tải 18 bánh để mang gạo vào Thái Lan.


Kiattisak Kalayasirivat, Giám đốc quản lý của doanh nghiệp Thái Lan Novel Agritrade cho biết: “Không ai có thể phân biệt được đâu là gạo Thái đâu là gạo Campuchia. Điều đó khiến cho việc buôn lậu gạo, bán cho chính phủ để kiếm lợi càng trở nên dễ dàng hơn”.


Chính phủ Thái Lan cũng cho hay thất thoát trong chương trình này đã ở mức khoảng 4,4 tỉ USD trong mùa vụ kết thúc vào tháng 9 năm ngoái. Chất lượng gạo trong các kho chứa cũng giảm sút do phần lớn gạo nhập lậu là gạo nát sau đó bị trộn với gạo đẹp của Thái Lan.


Từ vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Thái Lan đã tụt xuống vụ trí thứ ba sau Ấn Độ và Việt Nam. Hiện Thái Lan đang dự trữ mức 18 triệu tấn gạo, gần gấp đôi lượng xuất khẩu thông thường mỗi năm và gần một nửa lượng thương mại toàn cầu: 38 triệu tấn.


Cùng lúc với việc đau đầu xử lí một khoản thâm hụt ngân sách khoảng 300 tỉ bạt (hơn 200.000 tỉ đồng) trong năm tài chính này thì chính phủ Thái Lan cũng đang phải đương đầu với việc cấp vốn cho chương trình trị giá nhiều tỉ USD này để làm thỏa mãn các cử tri của mình cũng như tìm kiếm đối tác thu mua lương thực.


A.M (theo Reuters)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN