Ngành da giày đứng trước cơ hội lớn

Ngành da giày Việt Nam đã bước vào những chặng cuối cùng ở vòng đàm phán Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đang khởi động vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây là những hiệp định thương mại đem đến cho Việt Nam những lợi thế quan trọng khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ, EU…

 

Vươn ra biển lớn


Triển lãm quốc tế da và giày lần thứ 15, diễn ra từ ngày 11 - 13/7 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn - SECC, đã ghi nhận những thành quả mà ngành da giày Việt Nam đạt được trong những năm qua cho dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Theo báo cáo của Hiệp hội da và giày Việt Nam, năm 2012, toàn ngành xuất khẩu được hơn 8.700 triệu USD (đứng thứ 3 cả nước về kim ngạch xuất khẩu) và trong 5 tháng đầu năm 2013, mặt hàng giày dép xuất khẩu đã đạt kim ngạch hơn 3.200 triệu USD, tăng 15% và túi xách xuất khẩu đạt hơn 650 triệu USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái.


 

Ngành da giày Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh trước khi gia nhập hiệp định TPP và FTA.

 

Ngoài việc kim ngạch xuất khẩu đang “tiến”, một thuận lợi khác cho ngành da giày Việt Nam khi khối EU đã thông qua quyết định cho Việt Nam hưởng lại chế độ GSP (quy định xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập) với mức thuế suất 3,5 - 4% đối với từng loại mặt hàng da giày. Trước đó, mặt hàng da giày Việt Nam bị khối EU, thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, áp thuế chống bán phá giá lên đến 10%.


Bên cạnh đó, Việt Nam đang bước vào những vòng đàm phán cuối để gia nhập hiệp định TPP (gồm 11 nước thành viên APEC) và đang khởi động vòng đàm phán hiệp định FTA (các nước trong khối EU), để ngành da giày Việt Nam bước vào một thị trường tự do hoàn toàn với thuế suất là 0%. Theo đó, nếu đàm phán với 2 khối được thông qua, ngành da giày Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi khi vươn ra “biển lớn”. “Lợi thế đó chính là thuế suất, khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến với giá cả hợp lý, sẽ tạo ra việc làm ổn định cho một triệu lao động, tạo làn sóng đầu tư vào những lĩnh vực da giày mà Việt Nam có lợi thế. Ngoài ra, chúng ta còn tiếp cận được các thương hiệu lớn về sản phẩm giày dép, túi xách lớn của thế giới, giúp nâng tầm phát triển chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam, cho biết.

 

Thách thức trên sân nhà


Cơ hội rộng mở, nhưng ngành da giày Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Bởi khi thuế suất giảm đến 0%, bước vào một thị trường tự do hoàn toàn, doanh nghiệp Việt Nam nếu không chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh thì rất có thể lợi ích sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.


Nhiều doanh nghiệp da giày nước ngoài sẽ lợi dụng lợi thế về thuế suất tại Việt Nam khi tham gia vào TPP và FTA, đưa mặt hàng bán thành phẩm vào Việt Nam lắp ráp và sau đó xuất vào EU hoặc Hoa Kỳ.
Mặt khác, với hơn 500 doanh nghiệp da giày Việt Nam đang hoạt động chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu kém. Do đó, vấn đề lớn đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp này đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm của nước ngoài. Khi gia nhập vào TPP và FTA, những sản phẩm “Made in Việt Nam” có nguy cơ không làm chủ được thị trường nội địa, trong khi lượng hàng hóa xuất khẩu vào thị trường của 2 khối EU và Hoa Kỳ lại không thể tăng lên.


“Định vị lại chiến lược thị trường, liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chủ động xây dựng vùng nguyên phụ liệu, thông hiểu và tận dụng tối đa lợi thế từ TPP và FTA, thay đổi phương thức kinh doanh… là những giải pháp cấp thiết mà các doanh nghiệp phải tập trung ngay từ lúc này”, ông Kiệt đánh giá.


Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN