Nâng cao trình độ công chứng viên

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên cấp phép tràn lan các phòng công chứng.

 

Đội ngũ công chứng viên còn yếu


Chiều 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp) cho rằng, việc quan trọng nhất là nâng cao chất lượng công chứng viên, coi đây là nhân tố quyết định hoạt động của phòng công chứng. Vì công chứng là một nghề cần có hiểu biết rộng, sâu về pháp luật, kinh tế, dân sự, đất đai… và công chứng viên cần có kỹ năng nhận biết các loại giấy tờ đâu là giả, đâu là thật. Do vậy, việc đào tạo ở các trường đại học là chưa đủ. Cần có các khóa đào tạo chuyên sâu hơn cho đội ngũ công chứng viên.


Nhiều đại biểu đánh giá chất lượng đội ngũ công chứng viên hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế về năng lực chuyên môn, kỹ năng hành nghề, chưa tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Thậm chí một số công chứng viên có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ công chứng viên nói riêng và nghề công chứng nói chung. Vì vậy, nếu coi công chứng viên là nghề chuyên nghiệp, thì ai muốn tham gia thì phải học nghề và cần thu hẹp các đối tượng miễn đào tạo nghề.


“Phần lớn các công chứng viên yếu kém này là các công chứng viên được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng. Trong khi đó, theo báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng của Bộ Tư pháp cho thấy, tỷ lệ công chứng viên được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng chiếm 64,3% tổng số công chứng viên được bổ nhiệm”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhận định.


Cùng quan điểm trên, theo đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cho rằng, cần xem xét lại quy định thẩm phán, thẩm tra viên cao cấp… được miễn đào tạo, miễn tập sự nghề công chứng.


Không cấp phép tràn lan


Về văn phòng công chứng, một số ý kiến cho rằng, trong thực tế, nhiều công chứng viên chỉ đứng tên danh nghĩa thành lập phòng công chứng hoạt động, không tham gia trực tiếp vào hoạt động của phòng công chứng và không phải là chủ của phòng công chứng, dẫn tới việc tranh chấp giữa các bên khi xảy ra mâu thuẫn.


Trong dự thảo quy định văn phòng phải có hai công chứng viên. Điều này góp phần giải quyết nhanh công việc nhưng một số đại biểu cho rằng, cần quy định sau khi hợp danh thành lập phòng công chứng, trong vòng 6 tháng sau phải bổ sung công chứng viên, nếu không phải cho dừng hoạt động.


Về việc quyết định thành lập văn phòng công chứng, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, UBND tỉnh quy định việc thành lập phòng công chứng trong trường hợp cần thiết. Vậy cần thiết ở đây là như thế nào, cần làm rõ yếu tố này để tránh lạm dụng.


Về việc đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận được các hoạt động công chứng thuận tiện, đặc biệt là những nơi vùng sâu, vùng xa. Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng cần phải có văn phòng công chứng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người để tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ công chứng.


Phi Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN