Nâng cao nhận thức vệ sinh an toàn thực phẩm

Thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2014, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo UBND các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc tập trung tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các xã, thị trấn, các thôn bản, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có phong tục ăn uống lạc hậu, mất vệ sinh như sử dụng bột ngô bị mốc, nấm rừng, rau rừng các loại.


Theo bác sỹ Lệnh Đức Tuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: Trong tháng 2 - 3/2014, lực lượng chức năng huyện Quản Bạ đã kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại 13 xã, thị trấn và 107 thôn, bản vùng sâu, xa, biên giới trên địa bàn huyện. Các đoàn kiểm tra đã tịch thu, tiêu hủy gần 600 kg bột bánh ngô mốc được bà con dân tộc cất trên gác bếp để sử dụng làm bánh ngô ăn dần.


Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang đã phối hợp với các địa phương cử cán bộ, y bác sỹ xuống các thôn, bản vùng sâu, xa, biên giới đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào dân tộc Mông không chế biến và ăn bánh ngô từ bột ngô đã bị mốc. Khi thấy bột ngô bị lên mốc phải hủy bỏ ngay và cũng không cho gia súc ăn. Đặc biệt, chỉ xay bột nước với số lượng đủ ăn và để tối đa trong 2 - 3 ngày. Tuyệt đối không được bảo quản bột ngô lâu dài bằng cách phơi khô hoặc để bột tự khô trên gác, khi đó nấm mốc sẽ phát triển rất nhanh, tạo nhiều độc tố...


Theo phong tục tập quán lâu đời của dân tộc Mông ở Hà Giang, lương thực trong bữa ăn chính là ngô tẻ và được chế biến dưới dạng mèn mén (ngô tẻ xay thành bột thô, trộn nước, sau đó đồ 2 lần cho chín kỹ rồi ăn). Dịp Tết Nguyên đán và những ngày lễ, ngày rằm, ngày Tết thanh minh 3/3, bà con thường làm các loại bánh ngô được chế biến từ ngô nếp. Tuy nhiên, nhiều khi bột ngô để hàng tháng đã lên mốc xanh nhưng bà con vẫn làm bánh ăn, dẫn tới ngộ độc.


Ông Nguyễn Như Chưởng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Giang cho biết: Kết quả điều tra cho thấy, hơn 9 năm qua (từ 2006 đến tháng 4/2014), tỉnh Hà Giang đã xảy ra 21 vụ ngộ độc bánh ngô mốc với 121 người mắc; trong đó có tới 48 người bị tử vong (chiếm tỷ lệ 39,6%). Riêng năm 2013 đã xảy ra một vụ ngộ độc bánh ngô mốc tại xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ với 7 người mắc, trong đó có 4 người tử vong.

 

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN