Mỹ - Nhật - Hàn hối thúc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã cùng nhau kêu gọi CNDCND Triều Tiên thực hiện các bước đi "có ý nghĩa" nhằm phi hạt nhân hóa để đổi lấy quan hệ tốt đẹp hơn với 3 nước này.


 

Đại diện của Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc (từ trái sang phải) tại cuộc gặp ở Oasinhtơn, Mỹ. Ảnh Kyodo-TTXVN

 

Các đặc phái viên của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thông báo để ngỏ cánh cửa cải thiện quan hệ với Triều Tiên sau một cuộc hội ý ngày 19/6 tại Oasinhtơn (Mỹ). Tuyên bố chung nhấn mạnh “sẽ đánh giá Triều Tiên bằng hành động cụ thể của họ, chứ không bằng lời nói”, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng phải thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cải thiện quan hệ liên Triều và giải quyết việc công dân Nhật Bản bị bắt cóc vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.


Ba quan chức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tái khẳng định cam kết trong Tuyên bố chung của cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ngày 19/9/2005, trong đó có mục tiêu cốt lõi là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình và có thể kiểm chứng.


Dự kiến sau khi rời Mỹ, đặc phái viên của Hàn Quốc Cho Tae Yong sẽ tiếp tục tới Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề này.


Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan Jin ngày 20/3 cho biết Triều Tiên có tới 3.000 nhân viên tác chiến mạng được đào tạo chuyên sâu, dưới sự quản lý của Tổng cục Trinh sát thuộc Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA). Hàn Quốc từng cáo buộc Triều Tiên đứng sau một loạt vụ tấn công mạng, tuy nhiên Bình Nhưỡng đã thẳng thừng bác bỏ mọi dính líu tới hoạt động này.

Trước đó, Triều Tiên đã bất ngờ đề xuất tổ chức đàm phán giữa các quan chức cấp cao với Mỹ, sau khi kế hoạch tổ chức các cuộc gặp gỡ tương tự với Hàn Quốc bị đổ vỡ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng nhấn mạnh Mỹ không được đặt điều kiện tiên quyết và nội dung đàm phán không chỉ về vấn đề giải trừ hạt nhân mà cần phải thảo luận bao quát về tình hình bán đảo Triều Tiên. Đáp lại, Mỹ nói rằng sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên, nhưng phải là "đàm phán thực chất". Về vấn đề này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 20/6 nói rằng các cuộc đàm phán giữa các bên nếu diễn ra trước hết cần bàn về giải pháp để làm sao Triều Tiên ngừng theo đuổi vũ khí hạt nhân.


Ngày 19/6, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên Kim Kye Gwan đã tới thăm Trung Quốc và hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Trương Nghiệp Toại.


Nhận định về những động thái gần đây của Triều Tiên, giáo sư Fang Xiuyu của Trung tâm nghiên cứu về Triều Tiên thuộc đại học Phúc Đán ở Thượng Hải (Trung Quốc) cho rằng Triều Tiên tiếp tục gửi đi những thông điệp “gây nhiễu”. Mục đích rõ ràng duy nhất trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kim Kye Gwan là cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Triều Tiên hy vọng cuộc gặp này có thể thực hiện mục tiêu là thiết kế một cuộc gặp giữa lãnh đạo cao nhất hai nước cũng như giải thích cho Trung Quốc về lập trường hạt nhân của mình. Tuy nhiên, theo ông Fang, đàm phán sáu bên trước hết phụ thuộc vào việc cải thiện quan hệ hai miền Triều Tiên và tổ chức các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Oasinhtơn. Nếu thiếu các điều kiện này hiệu quả của các cuộc đàm phán sẽ không cao dù nó có được tổ chức.

 

L.H (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN