Mỹ đang phát động chiến dịch chống Venezuela

Thời gian qua, tin tức về các cuộc biểu tình tại Venezuela đã tràn ngập các kênh truyền hình hàng đầu của phương Tây, nhưng giờ đây hoàn toàn im lặng. Đây là thời điểm người dân Venezuela đang hân hoan chào mừng và thư giãn.

Hàng trăm người Venezuela ủng hộ chính phủ tuần hành vì hòa bình tại thủ đô Caracas ngày 23/2. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, những người tổ chức biểu tình chống chính phủ Venezuela đã tuyên bố chính quyền Caracas đang chuẩn bị sụp đổ, Tổng thống Nicolás Maduro cùng các cộng sự sẽ bỏ chạy đến Cuba, và đất nước sẽ trở lại một nền “dân chủ thực sự”.

 

Trong những biến động chính trị vừa qua tại Venezuela, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đóng vai trò chính trong cuộc chiến tranh thông tin và tâm lý. Cả nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Hugo Chavez đã phải hứng chịu những chiến dịch chống phá do CIA phát động.

 

Mỹ phát động chiến dịch chống phá Venezuela nhằm xóa bỏ ý tưởng xây dựng chế độ xã hội trong thế kỷ XXI tại nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Chavez chưa bao giờ hứa hẹn thành công nhanh chóng tại Venezuela, nhưng chính sách xã hội đầy ưu việt của ông đã đem lại thành tựu đáng kể cho người dân. Theo nhiều cuộc thăm dò trong dư luận xã hội, người dân Venezuela là một trong số những dân tộc hạnh phúc nhất tại Tây bán cầu.

 

Những thành tựu của cuộc cách mạng Bolivar đã đem đến các chính sách chăm sóc sức khỏe, giáo dục và xây dựng nhà ở với giá cả thấp, đảm bảo hỗ trợ cho mọi người dân. Ngoài ra, Tổng thống Chavez còn thành công trong việc chống lại các hoạt động chống phá của Mỹ không chỉ ở Venezuela mà còn cả trên trường quốc tế.

 

Một trong những giải pháp trọng điểm của chiến tranh thông tin do Mỹ phát động chống Venezuela là thành lập kênh truyền hình TeleSur TV với sự ủng hộ của các nước đồng minh tại Mỹ Latinh và tiếp đến là Đài phát thanh RadioSur (có tới 80% số lượng phương tiện truyền thông tại Venezuela thuộc về phe đối lập).

 

Điều này đã tạo điều kiện hình thành một mạng lưới phát thanh và truyền hình địa phương được phủ sóng khắp đất nước Venezuela. Một hãng phim quốc gia cũng được thành lập để sản xuất những bộ phim có chủ đề yêu nước. Các bộ phim này được chiếu trên kênh truyền hình quốc gia hàng tuần, thu hút đông đảo khán giả như các phim hành động của Hollywood.

 

Phim tài liệu cũng được sản xuất nhằm phơi bày chính sách của Mỹ đối với các nước châu Mỹ Latinh, đó là nhằm chiếm giữ các mỏ dầu và loại bỏ các chính trị gia mà Nhà Trắng không ưa.

 

Sau khi Tổng thống Chavez qua đời, cuộc chiến tranh thông tin và tâm lý tiếp tục nhằm vào người kế nhiệm, Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro, một cách phổ biến và quyết liệt hơn. Washington quyết định nắm lấy các cơ hội hiện nay để lật đổ chính phủ Venezuela.

 

Mỹ đã tiến hành một loạt hành động như hỗ trợ vũ khí cho các phần tử quân sự bán vũ trang từ Colombia xâm nhập vào Venezuela để thực hiện các hoạt động khủng bố, phá hoại nền kinh tế tài chính và sử dụng các trang mạng xã hội trên Internet để chống phá Venezuela.

 

Phát biểu tại LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Elias Jaua cáo buộc các phương tiện truyền thông nước ngoài và đối lập tại Venezuela đang tích cực tham gia một chiến dịch để lật đổ Tổng thống Maduro. Ngoại trưởng Jaua cũng cho biết các chiến dịch đó đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng thông qua hệ thống truyền hình có định hướng. Ngoại trưởng Elias Jaua nhận thấy nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ thuật ở Mỹ và châu Âu, mặc dù không biết Venezuela ở đâu, đã được dàn xếp để có các hoạt động chống lại chính quyền Tổng thống Maduro.

 

Đặc biệt, kênh truyền hình CNN không chỉ được CIA sử dụng để đưa ra các thông tin giả mạo về Venezuela mà còn đưa nhiều thông tin tiêu cực sai sự thật về chính quyền và Tổng thống Maduro.

 

Ngoài ra, CNN còn đưa tin sai lệnh về các cuộc biểu tình trên đường phố của sinh viên được miêu tả là hòa bình, tuyệt nhiên không đề cập đến các cuộc biểu tình của nhóm sinh viên quân sự đã phong tỏa đường phố, phóng hỏa xe hơi, tấn công cảnh sát, phá hoại cơ sở hạ tầng đô thị, bao gồm cả hệ thống tàu điện ngầm.

 

Thêm vào đó, các nhà hoạt động đối lập còn rải mảnh kim loại ra đường dẫn đến hậu quả gia tăng đáng kể các vụ tai nạn giao thông. Có rất nhiều sợi nilon được buộc trên đường nhằm ngăn cản những người sử dụng xe máy cung cấp hàng hóa, thuốc chữa bệnh, bưu phẩm... cho người dân. Thậm chí nhiều người trung thành với chính quyền sử dụng xe máy để phân phối hàng hóa cho người dân nên phe đối lập coi đó là những người thù địch. Tuy nhiên, CNN chưa bao giờ đề cập đến các chi tiết này.

 

Và điều tất yếu cũng đến xuất phát từ việc đưa tin một cách sai lệch tình hình tại Venezuela, các phóng viên của CNN đã bị trục xuất khỏi đất nước này. Những nhà báo từ các hãng truyền thông AP, AFP, EFE, Reuters và một số hãng khác đang phải giải trình về các hành động đưa tin không đúng tại Venezuela.

 

Phương tiện truyền thông quốc tế cũng giữ im lặng về nỗ lực của Tổng thống Maduro trong việc thúc đẩy đối thoại hòa bình, tìm kiếm sự thỏa hiệp với phe đối lập và các lực lượng chính trị trong nước, những người đã tổ chức và tài trợ cho các chiến dịch kéo dài nhằm gây bất ổn xã hội. Khả năng chịu đựng của các cơ quan chức năng của Venezuela ngày càng được coi là điểm yếu.

 

Nhiều nhà phân tích cho rằng rất ít nhà báo phương Tây thể hiện được sự độc lập, trung thực khi đưa tin về các sự kiện tại Venezuela. Nhìn chung, họ có quan điểm giống với Washington khi đánh giá các sự kiện và đây là đặc trưng chung của các nhà báo phương Tây đang hoạt động tại Venezuela.

 

Các nhà phân tích chính trị đang tập trung theo dõi nỗ lực của Mỹ trong việc lật đổ chính phủ Venezuela. Nhà Trắng muốn chứng tỏ với thế giới rằng Mỹ vẫn có khả năng định hướng mọi sự kiện ở các khu vực thế giới khác nhau trong bất cứ tình huống cần thiết.

 

Hải Đường (Theo GlobalNews)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN